A. Hoạt động cơ bản - Bài 1A: Lời khuyên của Bác

Giải bài 1A: Lời khuyên của Bác phần hoạt động cơ bản trang 3, 4, 5, 6 sách VNEN tiếng việt 5 với lời giải dễ hiểu

Lời giải

Câu 1

a. Quan sát bức tranh minh hoạ cho chủ điểm Việt Nam - Tổ quốc em.

b. Nghe thầy cô giới thiệu để hiểu bức tranh cho ta biết điều gì về Tổ quốc Việt Nam.


Gợi ý:

a. Em quan sát bức tranh xem có những ai, những vật gì xuất hiện, họ đang làm gì hoặc có đặc điểm gì nổi bật?

b. Từ những đặc điểm, việc làm của người và vật xuất hiện trong bức tranh khiến em có liên hệ gì đến Tổ quốc Việt Nam ta?

Trả lời:

a. Bức tranh minh hoạ cho chủ điểm Việt Nam – Tổ quốc em có xuất hiện hình ảnh Bác Hồ thân yêu, các em học sinh thuộc nhiều dân tộc khác nhau, phía trên còn có lá cờ đỏ sao vàng phần dưới uốn lượn tạo ra hình chữ S mang dáng hình của đất nước Việt Nam ta.

b. Ngày 2 tháng 9 năm 1945, tại quảng trường Ba Đình lịch sử, khi lá cờ đỏ sao vàng bay phấp phới trên nền trời xanh, Bác Hồ đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. Từ đó, tất cả các em học sinh thuộc các dân tộc trên đất nước ta đều được hưởng một nền giáo dục hoàn toàn Việt Nam. Toàn thể anh em các dân tộc trên đất nước ta phải yêu thương, đoàn kết và một lòng gìn giữ nền độc lập ấy, bảo vệ vùng trời, vùng biển, vùng đất liền, mỗi một chủ quyền của đất nước ta.

Câu 2, 3, 4

Câu 2: Nghe thầy cô (hoặc bạn) đọc bài sau:

Thư gửi các học sinh

(trích)

   Các em học sinh, 

   Ngày hôm nay là ngày khai trường đầu tiên ở nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa. Tôi đã tưởng tượng thấy trước mắt cái cảnh nhộn nhịp tưng bừng của ngày tựu trường ở khắp các nơi. Các em hết thảy đều vui vẻ vì sau mấy tháng giời nghỉ học, sau bao nhiêu cuộc chuyển biến khác thường, các em lại được gặp thầy gặp bạn. Nhưng sung sướng hơn nữa, từ giờ phút này giở đi, các em bắt đầu được nhận một nền giáo dục hoàn toàn Việt Nam. Các em được hưởng sự may mắn đó là nhờ sự hi sinh của biết bao nhiêu đồng bào các em. Vậy các em nghĩ sao?

   Trong năm học tới đây, các em hãy cố gắng, siêng năng học tập, ngoan ngoãn, nghe thầy, yêu bạn. Sau 80 năm giời nô lệ làm cho nước nhà bị yếu hèn, ngày nay chúng ta cần phải xây dựng lại cơ đồ mà tổ tiên đã để lại cho chúng ta, làm sao cho chúng ta theo kịp các nước khác trên hoàn cầu. Trong công cuộc kiến thiết đó, nước nhà trông mong chờ đợi ở các em rất nhiều. Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em. Ngày hôm nay, nhân buổi tựu trường của các em, tôi chỉ biết chúc các em một năm đầy vui vẻ và đầy kết quả tốt đẹp.

Chào các em thân yêu. 

Hồ Chí Minh

Câu 3: Thay nhau đọc từ ngữ và lời giải nghĩa:

- Đây là thư của Bác Hồ gửi học sinh cả nước nhân ngày khai giảng năm học đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, tháng 9 năm 1945.

- Việt Nam dân chủ Cộng hoà: tên nước ta từ năm 1945 đến năm 1976.

- Bao nhiêu cuộc chuyển biến khác thường: ý nói những sự kiện lớn từ giữa năm 1945 đến ngày khai giảng, nổi bật là cuộc Cách mạng tháng Tám và sự ra đời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.

- 80 năm giời nô lệ: 80 năm nước ta bị thực dân Pháp đô hộ.

- Cơ đồ: sự nghiệp lớn; ở đây có nghĩa là đất nước, giang sơn

- Hoàn cầu: thế giới

- Kiến thiết: xây dựng

- Các cường quốc năm châu: các nước giàu mạnh trên thế giới

Câu 4: Cùng luyện đọc

Mỗi em đọc một đoạn, tiếp nối nhau đến hết bài. Chú ý đọc toàn bài với giọng nhẹ nhàng, trìu mến, thể hiện tình cảm yêu thương Bác Hồ dành cho học sinh

Câu 5

Thảo luận, trả lời câu hỏi:

1)  Ngày khai trường tháng 9 năm 1945 có gì đặc biệt so với những ngày khai trường trước đó?

Gợi ý:

Em đọc đoạn văn từ “Ngày hôm nay…” đến “…Vậy các em nghĩ sao?”

Trả lời:

Điều đặc biệt của ngày khai trường tháng 9 năm 1945 so với những ngày khai trường khác là:

- Ngày khai trường đầu tiên ở nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa.

- Ngày khai trường này trở đi, các em bắt đầu được nhận một nền giáo dục hoàn toàn Việt Nam.

 

2) Sau cách mạng tháng 8, nhiệm vụ của toàn dân là gì?

Gợi ý:

Em đọc đoạn văn từ “Trong năm học tới đây…” đến “…và đầy kết quả tốt đẹp.”

Trả lời:

Nhiệm vụ của toàn dân sau Cách mạng tháng 8 là:

- Xây dựng lại cơ đồ mà tổ tiên đã để lại.

- Làm cho nước ta theo kịp các nước khác trên hoàn cầu.

 

3) Theo Bác Hồ, vì sao học sinh phải siêng năng học tập, rèn luyện?

Em chọn ý đúng để trả lời:

a. Vì đó là việc làm để bắt buộc đối với mỗi học sinh.

b. Vì đó là việc làm giúp nước ta sánh vai được với các cường quốc năm châu.

c. Vì đó là việc làm giúp nước nhà thoát khỏi cảnh yếu hèn sau hơn 80 năm trời nô lệ.

Gợi ý:

Em đọc kĩ đoạn “Trong công cuộc kiến thiến đó…” đến “…đầy kết quả tốt đẹp.”

Trả lời:

Thế hệ trẻ là tương lai của đất nước, bởi vậy trẻ em phải siêng năng học tập và rèn luyện thì mai này lớn khôn, trưởng thành mới có thể đủ năng lực đưa nước nhà sánh vai với các cường quốc, vươn mình tới những chân trời cao và xa hơn.

Chọn đáp án b: Vì đó là việc làm giúp nước ta sánh vai được với các cường quốc năm châu.

Câu 6

Học thuộc lòng câu: “Non sông Việt Nam … nhờ một phần lớn ở công học tập của các em.”

       Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em. Ngày hôm nay, nhân buổi tựu trường của các em, tôi chỉ biết chúc các em một năm đầy vui vẻ và đầy kết quả tốt đẹp.

Câu 7

Tìm hiểu từ đồng nghĩa

So sánh nghĩa của hai cặp từ sau để hiểu thế nào là từ đồng nghĩa:

a. học sinh - học trò

Nghĩa của hai từ học sinh, học trò có điểm nào giống nhau? (Hai từ này cùng chỉ ai?)

b. Khiêng – vác

- Quan sát tranh và đọc lời giải nghĩa dưới tranh:

- Nghĩa của hai từ khiêng, vác có điểm nào giống nhau, có điểm nào khác nhau?

Gợi ý:

a. Hai từ này cùng chỉ ai?

b. Quan sát tranh xem với khiêng vác các di chuyển đồ vật của người khác nhau như thế nào? (Họ sử dụng tay như thế nào? đặt đồ vật ở đâu?)

Trả lời:

a. Nghĩa của từ học sinh, học trò có điểm giống nhau đó là cùng chỉ những người tới trường theo học ở bậc phổ thông (bao gồm tiểu học, trung học cơ sở và phổ thông cơ sở)

b. Nghĩa của hai từ khiêng vác:

- Giống: Đều chỉ hành động nâng và chuyển vật nặng hoặc cồng kềnh

- Khác:

+ Khiêng: Vật nặng được di chuyển bằng cách hợp sức của hai hay nhiều người.

+ Vác: Vật nặng được di chuyển bằng cách đặt lên vai.

Ghi nhớ

1. Từ đồng nghĩa là những từ có nghĩa giống nhau hoặc gần giống nhau.

Ví dụ: - học sinh, học trò

           - khiêng, vác

2. Khi dùng từ đồng nghĩa, ta phải biết sự khác nhau giữa chúng để lựa chọn cho chính xác.

Ví dụ:

- Mang, khiêng, vác,… (biểu thị những cách thức hành động khác nhau)

- Ăn, xơi, chén,… (biểu thị thái độ, tình cảm khác nhau đối với người đối thoại hoặc điều được nói đến)