Câu 1
Nói về bản thân em
Gợi ý:
- Năm nay em bao nhiêu tuổi?
- Em thích làm việc gì?
- Em mơ ước lớn lên sẽ trở thành người như thế nào?
- Em sẽ làm gì để thực hiện ước mơ ấy?
- Nhớ lại những kỉ niệm ngày đầu vào lớp Một, em thấy mình đã lớn lên, khác trước như thế nào?
- Nói về một kỉ niệm những ngày đầu em vào lớp Một.
Trả lời:
- Năm nay em 10 tuổi
- Em thích đọc sách, xem phim, nghe nhạc.
- Lớn lên em muốn trở thành giáo viên, dạy chữ cho các em nhỏ, trở thành người có ích cho xã hội.
- Để thực hiện được ước mơ đó, trước tiên em phải không ngừng học tập, tu dưỡng, rèn luyện chính mình.
- So với hồi học lớp Một, hiện tại em đã khôn lớn hơn rất nhiều, em đã tự giác hoàn thành công việc của mình mà không cần đợi bố mẹ nhắc nhở, em đã có thể giúp đỡ bố mẹ nhiều công việc trong gia đình.
- Kỉ niệm đáng nhớ nhất những ngày đầu vào lớp Một đó là: Em chưa quen với việc cả ngày ở trên trường mà không có bố mẹ bên cạnh, thế nhưng có cô giáo luôn luôn động viên, yêu thương và chăm sóc em, có bạn bè luôn ở bên cạnh nên em đã dần dần quen và cảm thấy yêu trường, yêu lớp, yêu bạn bè hơn rất nhiều.
Câu 2: Nghe thầy cô (hoặc bạn) đọc bài thơ sau:
SANG NĂM CON LÊN BẢY
Sang năm con lên bảy
Cha đưa con tới trường
Giờ con đang lon ton
Khắp sân trường chạy nhảy
Chỉ mình con nghe thấy
Tiếng muôn loài với con.
Mai rồi con lớn khôn
Chim không còn biết nói
Gió chỉ còn biết thổi
Cây chỉ còn là cây
Đại bàng chẳng về đây
Đậu trên cành khế nữa
Chuyện ngày xưa, ngày xửa
Chỉ là chuyện ngày xưa.
Đi qua thời ấu thơ
Bao điều bay đi mất
Chỉ còn trong đời thật
Tiếng người nói với con
Hạnh phúc khó khăn hơn
Mọi điều con đã thấy
Nhưng là con giành lấy
Từ hai bàn tay con.
VŨ ĐÌNH MINH
Câu 3: Cùng luyện đọc
Đọc tiếp nối 3 khổ thơ: Chú ý: Phát âm đúng các từ ngữ: lên bảy, lon ton, muôn loài, lớn khôn, khó khăn, giành lấy,…
Câu 4
Thảo luận, chọn ý đúng để trả lời:
1) Những câu thơ nào cho thấy tuổi thơ rất vui và đẹp?
Gợi ý:
Em đọc khổ thơ đầu tiên và khổ thơ thứ 2.
Trả lời:
Những câu thơ cho thấy tuổi thơ rất vui và đẹp đó là:
- Giờ con đang lon ton/Khắp sân vườn chạy nhảy
- Chỉ mình con nghe thấy/Tiếng muôn loài với con
- Những câu thơ nói về ngày mai theo cách ngược lại với thế giới tuổi thơ. Trong thế giới tuổi thơ cây, gió và muôn loài đều biết nói, suy nghĩ và hành động như con người:
Chim không còn biết nói
Gió chỉ còn biết thổi
Cây chỉ còn là cây
Đại bàng chẳng về đây
Đậu trên cành khế nữa
2) Thế giới tuổi thơ thay đổi như thế nào khi ta lớn?
a. Khi lớn lên, con vẫn sống trong thế giới cổ tích nhưng không còn nghe thấy tiếng của muôn loài.
b. Khi lớn lên, con sẽ sống trong đời thật, nghe tiếng mọi người nói với con.
c. Khi lớn lên, dù nhiều điều đã thay đổi thì con vẫn sống trong thế giới cổ tích kì diệu.
Gợi ý:
Em đọc kĩ khổ thơ thứ 2 và thứ 3.
Trả lời:
Trong khổ thơ thứ 2, thế giới tuổi thơ được thay đổi thể hiện qua việc: Gió, cây và muôn loài chẳng còn biết nói, biết suy nghĩ và hành động như trong những câu chuyện cổ tích nữa
Những câu thơ trong khổ 3 cho thấy thế giới tuổi thơ thay đổi khi ta lớn lên đó là:
Đi qua thời ấu thơ
Bao điều bay đi mất
Chỉ còn trong đời thật
Tiếng người nói với con
Chọn đáp án: b. Khi lớn lên, con sẽ sống trong đời thật, nghe tiếng mọi người nói với con.
3) Từ giã tuổi thơ, con người tìm thấy hạnh phúc ở đâu?
a. Trong đời thực, một cách khó khăn, bằng hai bàn tay mình.
b. Ở trong cuộc sống, một cách dễ dàng, bằng hai bàn tay.
c. Ở trong thế giới cổ tích, một cách dễ dàng, trong những giấc mơ
Gợi ý:
Em đọc kĩ khổ thơ thứ 3.
Trả lời:
Từ giã tuổi thơ, con người tìm thấy hạnh phúc ở trong đời thật, từ chính đôi bàn tay của mình
Chọn đáp án: a. Trong đời thực, một cách khó khăn, bằng hai bàn tay mình.
4) Qua bài thơ, nhà thơ muốn nói với em điều gì?
a. Hãy sống mãi trong thế giới kì diệu của tuổi thơ
b. Hãy từ giã, đừng tiếc nuối tuổi thơ.
c. Từ giã tuổi thơ, ta sẽ sống cuộc sống hạnh phúc thật sự do mình tạo nên
Gợi ý:
Em suy nghĩ, tập trung vào khổ thơ cuối bài.
Trả lời:
Qua bài thơ, nhà thơ muốn nói với em rằng: c. Từ giã tuổi thơ, ta sẽ sống cuộc sống hạnh phúc thật sự do mình tạo nên
Câu 5
a) Học thuộc lòng hai khổ thơ cuối.
b) Thi đọc thuộc lòng hai khổ thơ trước lớp.