Câu 1
Quan sát bức tranh minh hoạ cho chủ điểm Cánh chim hoà bình và trả lời câu hỏi: Bức tranh vẽ cảnh gì?
Gợi ý:
Em quan sát tranh xem những nhân vật trong tranh họ đang làm gì? cảnh vật xung quanh có gì đặc biệt và là biểu tượng cho điều gì?
Trả lời:
Bức tranh vẽ cảnh chú bộ đội đang bế một em nhỏ và cùng với các em thiếu nhi ngẩng đầu nhìn lên bầu trời xanh – nơi có những cánh chim bồ câu đang bay lượn. Chim bồ câu bay trên nền trời xanh thẳm chính là biểu tượng của hoà bình, của bình yên. Các em nhỏ tặng hoa rồi vui vẻ đứng xung quanh chú bộ đội cho thấy lòng biết ơn, sự yêu mến của thế hệ sau đối với lớp thế hệ trươc, trong đó có chú bộ đội, đã không tiếc thân mình để giành lấy hoà bình cho chúng ta ngày hôm nay.
Câu 2, 3, 4
Câu 2: Nghe thầy cô (hoặc bạn) đọc bài sau:
Những con sếu bằng giấy
Ngày 16-7-1945, nước Mĩ chế tạo được bom nguyên tử. Hơn nửa tháng sau, chính phủ Mĩ quyết định ném cả hai quả bom mới chế tạo xuống Nhật Bản.
Hai quả bom ném xuống các thành phố Hi-rô-si-ma và Na-ga-sa-ki đã cướp đi mạng sống của gần nửa triệu người. Đến năm 1951, lại có thêm gần 100 000 người ở Hi-rô-si-ma bị chết do nhiễm phóng xạ nguyên tử.
Khi Hi-rô-si-ma bị ném bom, cô bé Xa-xa-cô Xa-xa-ki mới hai tuổi đã may mắn thoát nạn. Nhưng em bị nhiễm phóng xạ. Mười năm sau, em lâm bệnh nặng. Nằm trong bệnh viện nhẩm đếm từng ngày còn lại của đời mình, cô bé ngây thơ tin vào một truyền thuyết nói rằng nếu gấp đủ một nghìn con sếu bằng giấy treo quanh phòng, em sẽ khỏi bệnh. Em liền lặng lẽ gấp sếu. Biết chuyện, trẻ em toàn nước Nhật và nhiều nơi trên thế giới đã tới tấp gửi hàng nghìn con sếu giấy đến cho Xa-xa-cô. Nhưng Xa-xa-cô chết khi em mới gấp được 644 con.
Xúc động trước cái chết của em, học sinh thành phố Hi-rô-si-ma đã quyên góp tiền xây một tượng đài tưởng nhớ những nạn nhân bị bom nguyên tử sát hại. Trên đỉnh tượng đài cao 9 mét là hình một bé gái giơ cao hai tay nâng một con sếu. Dưới tượng đài khắc dòng chữ: "Chúng tôi muốn thế giới này mãi mãi hòa bình".
Theo NHỮNG MẨU CHUYỆN LỊCH SỬ THẾ GIỚI
Câu 3: Thay nhau đọc từ ngữ và lời giải nghĩa:
Bom nguyên tử: bom có sức sát thương và công phá mạnh gấp nhiều lần bom thường.
Phóng xạ nguyên tử: chất sinh ra khi bom nguyên tử nổ, rất có hại cho sức khoẻ
Truyền thuyết: loại truyện dân gian về các nhân vật và sự kiện có liên quan đến lịch sử nhưng mang nhiều yếu tố thần kì.
Câu 4: Cùng luyện đọc
Mỗi em đọc một đoạn, tiếp nối nhau đến hết bài. Chú ý đọc toàn bài với giọng kể thong thả, trầm buồn.
Câu 5
Thảo luận, trả lời câu hỏi:
1) Chuyện gì đã xảy ra với Xa-xa-cô?
Em chọn ý đúng để trả lời
a. Phải chứng kiến những người chết vì bom nguyên tử.
b. Bị nhiễm phóng xạ do bom nguyên tử và bị lâm bệnh nặng.
c. Tìm được cách thoát nạn, không bị nhiễm phóng xạ nguyên tử.
Gợi ý:
Em đọc đoạn văn thứ ba trong bài.
Trả lời:
Mĩ thả bom xuống Hi-rô-si-ma, Xa-xa-cô may mắn thoát chết nhưng em bị nhiễm phóng xạ. Mười năm sau, em lâm bệnh nặng, nằm trong bệnh viện đếm từng ngày còn lại của đời mình.
Chọn đáp án: b. Bị nhiễm phóng xạ do bom nguyên tử và bị lâm bệnh nặng.
2) Xa-xa-cô đã làm gì để hi vọng kéo dài cuộc sống?
Em chọn ý đúng để trả lời:
a. Nằm trong bệnh viện, nhẩm đếm từng ngày của cuộc đời.
b. Tin vào truyền thuyết, lặng lẽ gấp cho đủ một nghìn con sếu giấy.
c. Kêu gọi mọi người gấp đủ một nghìn con sấu giấy cho mình.
Gợi ý:
Em đọc đoạn văn thứ ba trong bài.
Trả lời:
Cô bé hi vọng kéo dài cuộc sống của mình bằng cách gấp đủ một nghìn con sếu bằng giấy treo quanh phòng thì sẽ khỏi bệnh.
Chọn đáp án: b. Tin vào truyền thuyết, lặng lẽ gấp cho đủ một nghìn con sếu giấy.
3) Các bạn nhỏ đã làm gì?
( - Để thể hiện mong ước thiết tha cho Xa-xa-cô được sống.
- Để bày tỏ nguyện vọng hoà bình).
Gợi ý:
Em đọc đoạn văn cuối cùng.
Trả lời:
- Để tỏ tình đoàn kết với Xa-xa-cô các bạn nhỏ trên toàn nước Nhật và nhiều nơi trên thế giới đã gấp sếu giấy và gửi tới cho Xa-xa-cô.
- Để bày tỏ nguyện vọng hòa bình các bạn nhỏ đã quyên góp tiền xây một tượng đài tưởng nhớ những nạn nhân bị bom nguyên tử sát hại. Trên đỉnh tượng đài cao 9 m là hình một bé gái giơ cao hai tay nâng một con sếu. Dưới tượng đài khắc dòng chữ “Chúng tôi muốn thế giới này mãi hòa bình”.
4) Nếu được đứng trước tượng đài, em sẽ nói gì với Xa-xa-cô?
Gợi ý:
Em chủ động hoàn thành bài tập
Trả lời:
Ví dụ:
Câu chuyện của bạn luôn là điều nhắc nhở bọn mình phải biết yêu hòa bình và bảo vệ hòa bình, sự bình yên trên trái đất này. Bạn sẽ luôn sống mãi trong tâm trí của bọn mình, bọn mình biết hiện giờ trên thiên đường đã có một thiên thần xinh đẹp và tốt bụng tên là Xa-xa-cô.
Câu 6
Tìm hiểu về từ trái nghĩa
1) So sánh nghĩa của các từ in đậm trong câu sau để hiểu thế nào là từ trái nghĩa:
Chúng ta phải biết giữ gìn, không được phá hoại môi trường.
Gợi ý:
Em giải thích nghĩa của các từ in đậm rồi so sánh xem nghĩa của chúng có gì đặc biệt.
Trả lời:
- Phá hoại: Cố ý làm cho hỏng, cho thiệt hại nặng.
- Giữ gìn: Giữ cho được nguyên vẹn, không bị mất mát hay thiệt hại.
Hai từ giữ gìn và phá hoại có nghĩa trái nhau.
2) Tìm những từ trái nghĩa với nhau trong câu tục ngữ sau:
Chết vinh còn hơn sống nhục
Gợi ý:
Vinh: được kính trọng, được đánh giá cao.
Nhục: xấu hổ đến mức khó chịu đựng nổi vì cảm thấy mình bị khinh bỉ hoặc đáng khinh bỉ, danh dự bị xúc phạm nặng nề.
Trả lời:
Những từ trái nghĩa có trong câu tục ngữ đó là: sống – chết, vinh – nhục
3) Câu tục ngữ trên muốn nói điều gì? Cách dùng các từ trái nghĩa trong câu tục ngữ có tác dụng gì?
Gợi ý:
Em suy nghĩ và trả lời.
Trả lời:
Cách dùng từ trái nghĩa trong câu tục ngữ trên tạo ra hai vế tương phản, làm nổi bật quan niệm sống rất cao đẹp của người Việt Nam – thà chết mà được tiếng thơm còn hơn sống mà bị người đời khinh bỉ.
Ghi nhớ
1. Từ trái nghĩa là những từ có nghĩa trái ngược nhau.
M: cao – thấp, phải – trái, ngày – đêm,…
2. Việc đặt các từ trái nghĩa bên cạnh nhau có tác dụng làm nổi bật những sự vật, sự việc, hoạt động, trạng thái… đối lập nhau.