A. Hoạt động cơ bản - Bài 7A: Con người là bạn của thiên nhiên

Giải bài 7A: Con người là bạn của thiên nhiên phần hoạt động cơ bản trang 68, 69, 70 sách VNEN tiếng việt 5 với lời giải dễ hiểu

Lời giải

Câu 1

Quan sát tranh, trả lời câu hỏi:

a) Tranh vẽ những gì?

b) Bức tranh cho thấy con người và thiên nhiên có mối quan hệ với nhau như thế nào?

c) Bức tranh muốn nói với chúng ta điều gì?

Gợi ý:

Em quan sát kĩ bức tranh rồi trả lời câu hỏi.

Trả lời:

a) Tranh vẽ khung cảnh yên bình ở một làng quê. Dòng sông trong xanh yên ả. Phía trên neo đậu vài con thuyền bé nhỏ. Xa xa từng mái nhà xanh núp dưới những bụi cây. Dưới gốc đa con người bình thản cưỡi chú trâu già tấu lên những khúc ca cao vút từ chiếc sáo nhỏ. Đó là thanh âm bình yên nơi làng quê. Xa xa vài cánh chim bay lượn trên bầu trời xanh thẳm.

b) Bức tranh cho thấy con người và thiên nhiên có mối quan hệ mật thiết với nhau. Thiên nhiên ưu ái, nuôi dưỡng mầm sông cho con người và con người gắn bó, bảo vệ thiên nhiên.

c) Bức tranh muốn nói rằng con người và thiên nhiên là những người bạn của nhau. Chúng ta cần phải bảo vệ thiên nhiên, giống như thiên nhiên đã che chở và bảo vệ con người.

Câu 2

Nghe thầy cô (hoặc bạn) đọc bài văn sau:

Những người bạn tốt

     A-ri-ôn là một nghệ sĩ nổi tiếng của nước Hi Lạp cổ. Trong một cuộc thi ca hát ở đảo Xi-xin, ông đoạt giải nhất với nhiều tặng vật quý giá. Trên đường trở về kinh đô, đến giữa biển thì đoàn thủy thủ trên chiếc tàu chở ông nổi lòng tham, cướp hết tặng vật và đòi giết A-ri-ôn. Nghệ sĩ xin được hát bài ông yêu thích trước khi chết. Bọn cướp đồng ý. A-ri-ôn đứng trên boong tàu cất tiếng hát, đến đoạn mê say nhất, ông nhảy xuống biển. Bọn cướp cho rằng A-ri-ôn đã chết liền dong buồm trở về đất liền.

    Nhưng những tên cướp đã nhầm. Khi tiếng đàn, tiếng hát của A-ri-ôn vang lên, có một đàn cá heo đã bơi đến vây quanh tàu, say sưa thưởng thức tiếng hát của người nghệ sĩ tài ba. Bầy cá heo đã cứu A-ri-ôn. Chúng đưa ông trở về đất liền nhanh hơn cả tàu của bọn cướp. A-ri-ôn tâu với vua toàn bộ sự việc nhưng nhà vua không tin, sai giam ông lại.

    Hai hôm sau, bọn cướp mới về tới đất liền. Vua cho gọi chúng vào gặng hỏi về cuộc hành trình. Chúng bịa chuyện A-ri-ôn ở lại đảo. Đúng lúc đó A-ri-ôn bước ra. Đám thủy thủ sửng sốt, không tin vào mắt mình. Vua truyền lệnh trị tội bọn cướp và trả lại tự do cho A-ri-ôn.

    Sau câu chuyện kì lạ ấy, ở nhiều thành phố Hi Lạp và La Mã đã xuất hiện những đồng tiền khắc hình một con cá heo cõng người trên lưng. Có lẽ đó là đồng tiền được  ra đời để ghi lại tình cảm yêu quý con người của loài cá thông minh.

Theo Lưu Anh

Câu 3, 4

Câu 3: Đọc từ ngữ  và lời giải nghĩa

Boong tàu: sàn lộ thiên trên tàu thuỷ

Dong buồm: giương cao buồm để lên đường.

Hành trình: chuyến đi xa, dài ngày.

Sửng sốt: ngạc nhiên cao độ

 

Câu 4: Cùng luyện đọc

Mỗi em đọc một đoạn, tiếp nối nhau đến hết bài.

Câu 5

Cùng nhau hỏi – đáp theo các câu hỏi dưới đây:

1) Vì sao nghệ sĩ A-ri-ôn phải nhảy xuống biển?

2)  Điều kì lạ gì đã xảy ra khi nghệ sĩ cất tiếng hát giã biệt cuộc đời?

3)  Qua câu chuyện, em thấy cá heo đáng yêu, đáng quý ở điểm nào?

4)  Câu chuyện trên muốn nói điều gì về mối quan hệ giữa thiên nhiên và con người.

Gợi ý:

1) Em chú ý tìm thông tin ở đoạn văn thứ nhất

2) Em đọc đoạn thứ 2 trong bài để tìm đáp án đúng

3) Từ những việc mà cá heo đã làm với A-ri-ôn, em hãy suy nghĩ để xem cá heo đáng yêu và đáng quý ở điểm nào.

4) Trong truyện đàn cá heo say sưa thưởng thức tiếng đàn, tiếng hát của nghệ sĩ A-ri-ôn. Cá heo chính là bạn của con người. Câu chuyện muốn nói với chúng ta rằng: Thiên nhiên và con người là bạn của nhau.

Trả lời:

1) Nghệ sĩ A-ri-ôn phải nhảy xuống biển vì khi đến giữa biển thì đoàn thủy thủ trên tàu chở ông nổi lòng tham, cướp hết tặng vật và đòi giết A-ri-ôn.

2) Điều kỳ lạ gì đã xảy ra khi nghệ sĩ cất tiếng hát giã biệt cuộc đời là:

- Khi tiếng đàn, tiếng hát của A-ri-ôn vang lên, có một đàn cá heo đã bơi đến vây quanh tàu, say sưa thưởng thức tiếng hát của nghệ sĩ tài ba.

- Bầy cá heo đã cứu A-ri-ôn khi ông nhảy xuống biển và đưa ông trở về đất liền.

3) Qua câu chuyện em thấy cá heo đáng yêu, đáng quý ở điểm:

- Cá heo biết thưởng thức tiếng hát của nghệ sĩ A-ri-ôn.

- Cá heo biết cứu giúp nghệ sĩ khi ông nhảy xuống biển.

- Cá heo là bạn tốt của con người.

4) Con người và thiên nhiên có một quan hệ qua lại với nhau, nếu như con người đối xử đúng đắn với thiên nhiên thì cũng sẽ nhận lại được sự ưu đãi của thiên nhiên. Nếu đối xử tệ với thiên nhiên sẽ gặp phải hậu quả đáng tiếc. Con người và thiên nhiên là những người bạn, hãy đối xử tốt với người bạn thiên nhiên

Câu 6

Em có suy nghĩ gì về cách đối xử của đám thuỷ thủ và của đàn cá heo đối với nghệ sĩ A-ri-ôn?

Gợi ý:

Em nhớ lại các tình tiết trong truyện rồi trả lời.

Trả lời:

- Đám thủy thủ là người nhưng tham lam, độc ác không có tính người.

- Đàn cá heo là loài vật nhưng thông minh, tốt bụng, biết cứu người gặp nạn.

Câu 7

Trong những câu dưới đây, các từ mắt, chân, đầu mang nghĩa gốc và trong những câu nào, chúng mang nghĩa chuyển.

a) Mắt

- Đôi mắt của bé mở tròn.

- Quả na mở mắt.

b) Chân

- Lòng ta vẫn vững như kiềng ba chân.

- Bé đau chân.

c) Đầu

- Khi viết, em đừng ngoẹo đầu.

- Nước suối đầu nguồn rất trong.

Gợi ý:

- Mắt (nghĩa gốc): Bộ phận của cơ thể người, động vật dùng để nhìn.

- Chân (nghĩa gốc): Bộ phận của cơ thể người, động vật dùng để di chuyển.

- Đầu (nghĩa gốc): Bộ phận trên cùng của người, động vật.

Trả lời:

- Từ mắt, chân, đầu mang nghĩa gốc ở các câu:

+Đôi mắt của bé mở to

+Bé đau chân

+Khi viết em đừng ngoẹo đầu

Các từ mắt, chân, đầu trong các câu trên được dùng với nghĩa gốc bởi vì nghĩa của chúng trong câu là để chỉ các bộ phận mắt, chân, đầu của con người.

- Các từ mắt, chân, đầu mang nghĩa chuyển ở các câu

+Quả na mở mắt

+Lòng ta vẫn vững như kiềng ba chân

+Nước suối đầu nguồn rất trong

Các từ mắt, chân, đầu trong các câu trên được dùng với nghĩa chuyển bởi chúng không được dùng để chỉ một bộ phận nào đó của con người mà là vì chúng có một số nét tương đồng so với nghĩa gốc.