A. Hoạt động thực hành - Bài 28C: Ôn tập 3

Giải bài 28C: Ôn tập 3 phần hoạt động thực hành trang 111, 112, 113 sách VNEN Tiếng Việt 5 với lời giải dễ hiểu

Lời giải

Câu 1

Đọc thầm bài văn sau:

             Mùa thu, trời như một chiếc dù xanh bay mãi lên cao. Các hồ nước quanh làng như mỗi lúc một sâu hơn. Chúng không còn là một hồ nước nữa, chúng là những cái giếng không đáy, ở đó ta có thể nhìn thấy bầu trời bên kia trái đất.

            Những con nhạn bay thành đàn trên trời cao, như một đám mây mỏng lướt qua thôn làng. Gieo xuống những tiếng kêu mát lành, trong veo sương sớm, khiến tim tôi vang lên dịu dàng những câu thơ không nhớ đã thuộc từ bao giờ.

            Trẻ con lùa bò ra bãi đê. Con đê rực lên màu vàng của đàn bò đủng đỉnh bước. Ngỡ đấy là một con đê vàng đang uốn lượn. Những cánh đồng lúa xanh mướt, dập dờn trong gió nhẹ; chúng đuổi nhau mãi, đuổi nhau mãi từ ven làng đến tít tắp chân đê.

            Trong làng, mùi ổi chín quyến rũ. Những buồng chuối trứng cuốc vàng lốm đốm. Đâu đó thoảng hương cốm mới.

            Bên bờ nông giang vắt qua cánh đồng, giữa những tốp trẻ con, bay lên những ngọn khói xanh lơ. Bọn trẻ xua xua tay vào ngọn khói và hát câu đầu dao cổ nghe vui tai:

                                    Khói về rứa ăn cơm với cá

                                   Khói về ri lấy đá chập đầu

            Chúng cứ hát mãi, hát mãi cho đến lúc những ngọn khói tan biến vào không gian mênh mông. Không gian như một cái chuông lớn vô cùng treo suốt mùa thu, âm vang mãi tiếng ca của trẻ con và tiếng cựa mình của cây cối, đất đai.

            Mùa thu. Hồn tôi hóa thành chiếc sáo trúc nâng ngang môi chú bé ngồi vắt vẻo trên lưng trâu. Và mùa thu vang lên những âm thanh xao động đồng quê.

Theo Nguyễn Trọng Tạo

- Nông giang: sông đào phục vụ sản xuất nông nghiệp.

- Rứa (tiếng Trung Bộ): thế, như thế.

- Rỉ (tiếng Trung Bộ): thế này, như thế này

Câu 2

Dựa vào nội dung bài đọc, chọn ý đúng để trả lời:

1. Nên chọn tên nào đặt cho bài văn trên ?

a) Mùa thu ở làng quê

b) Cánh đồng quê hương

c) Âm thanh mùa thu

Gợi ý:

Em đọc kĩ bài văn xem chủ đề mà tác giả muốn nhắc tới là gì?

Trả lời:

Ý a (Mùa thu ở làng quê)

2. Tác giả cảm nhận mùa thu bằng những giác quan nào ?

a) Chỉ bằng thị giác (nhìn).

b) Chỉ bằng thị giác và thính giác (nghe).

c) Bằng cả thị giác, thính giác và khứu giác (ngửi).

Gợi ý:

Em suy nghĩ xem để miêu tả được những sự vật của mùa thu, tác giả đã phải quan sát bằng giác quan nào?

Trả lời:

Ý c (Bằng cả thị giác, thính giác và khứu giác (ngửi))

3. Trong câu "Chúng không còn là hồ nước nữa.. chúng là những cái giếng không đáy, ở đó ta có thể nhìn thấy bầu trời bên kia trái đất", từ đó chỉ sự vật gì ?

a) Chỉ những cái giếng.

b) Chỉ những hồ nước.

c) Chỉ làng quê.

Gợi ý:

Em tưởng tượng theo câu văn của tác giả.

Trả lời:

Ý b (Chỉ những hồ nước)

4. Vì sao tác giả có cảm tưởng nhìn thấy bầu trời bên kia trái đất ?

a) Vì bầu trời mùa thu rất cao nên tác giả có cảm tưởng đó là bầu trời bên kia trái đất.

b) Vì bầu trời mùa thu rất xanh nên tác giả có cảm tưởng đó là một bầu trời khác.

c) Vì những hồ nước in bóng bầu trời là "những cái giếng không đáy" nên tác giả có cảm tưởng nhìn thấy ở đó bầu trời bên kia trái đất.

Gợi ý:

Con suy nghĩ và trả lời.

Trả lời:

Ý c (Vì những hồ nước in bóng bầu trời là “những cái giếng không đáy” nên tác giả có cảm tưởng nhìn thấy ở đó bầu trời bên kia trái đất).

5. Trong bài văn có những sự vật nào được nhân hoá ?

a) Đàn chim nhạn, con đê và nhũng cánh đồng lúa.

b) Con đê, những cánh đồng lúa và cây cối, đất đai.

c) Những cánh đồng lúa và cây cối, đất đai.

Gợi ý:

- Nhân hoá là gọi hoặc tả sự vật bằng từ ngữ vốn được dùng để gọi hoặc tả con người.

- Con tìm các chi tiết miêu tả trong bài văn rồi xét xem chi tiết đó miêu tả.

Trả lời:

Ý c (Những cánh đồng lúa và cây cối đất đai).

6. Trong bài văn có mấy từ đồng nghĩa với từ xanh ?

a) Một từ. Đó là từ : ...

b) Hai từ. Đó là các từ : ...

c) Ba từ. Đó là các từ : ...

Gợi ý:

"Xanh" là từ ngữ chỉ màu sắc, con hãy tìm những từ ngữ miêu tả cùng cấp độ xanh trong bài.

Trả lời:

Ý b (Hai từ. Đó là: “xanh mướt, xanh lơ”).

7. Trong các cụm từ chiếc dù, chân đê, xua xua tay, những từ nào mang nghĩa chuyển ?

a) Chỉ có từ chân mang nghĩa chuyển.

b) Có hai từ dù và chân mang nghĩa chuyển.

c) Cả ba từ dù, chân, tay đều mang nghĩa chuyển.

Gợi ý:

- Chiếc dù: Bộ phận có hình vòm để chắn mưa và tay cầm.

- Chân đê: Phần cuối cùng của con đê tiếp giáp với đất.

- Xua xua tay: Hành động dùng tay đưa qua đưa lại theo một biên độ bày tỏ ý muốn từ chối.

Trả lời:

Ý a (Từ “chân” mang nghĩa chuyển).

8. Từ "chúng" trong bài văn được dùng để chỉ những sự vật nào ?

a) Các hồ nước.

b) Cấc hồ nước, bọn trẻ.

c) Các hồ nước, những cánh đồng lúa, bọn trẻ.

Gợi ý:

Em tìm trong bài văn những câu văn có chứa từ "chúng" rồi xét xem từ này được dùng để chỉ đối tượng nào.

Trả lời:

Ý c (Các hồ nước, những cánh đồng lúa, bọn trẻ).

9. Trong đoạn thứ nhất (4 dòng đầu) của bài văn, có mấy câu ghép ?

a) Một câu. Đó là câu : ...

b) Hai câu. Đó là cấc câu : ...

c) Ba câu. Đó là các câu : ... 

Gợi ý:

Câu ghép là câu có từ hai cụm chủ - vị trở lên.

Trả lời:

Ý a (Một câu. Đó là câu: “Chúng không còn là hồ nước nữa, chúng là những cái giếng không đáy, ở đó ta có thể nhìn thấy bầu trời bên kia trái đất”).

10. Hai câu "Chúng cứ hát mãi, hát mãi cho đến lúc những ngọn khói tan biến vào không gian mênh mông. Không gian như một cái chuông lớn vô cùng treo suốt mùa thu, âm vang mãi tiếng ca của trẻ con và tiếng cựa mình của cây cối, đất đai" liên kết với nhau bằng cách nào ?

a) Bằng cách thay thế từ ngữ. Đó là từ thay cho từ...

b) Bằng cách lặp từ ngữ. Đó là từ...

c) Bằng cả hai cách thay thế và lặp từ ngữ.

Gợi ý:

Em suy nghĩ và trả lời.

Trả lời:

Ý b (Bằng cách lặp từ ngữ). Đó là từ không gian. 

Câu 3

Em hãy tả người bạn thân của em ở trường

Gợi ý:

Đề bài thuộc kiểu bài tả người. Đối tượng miêu tả là một người bạn thân của em ở trường. Bài viết của em cần cho người đọc thấy được những đặc điểm về ngoại hình, tính cách của bạn nhỏ đó đồng thời phải thể hiện được tình cảm yêu mến, sự gắn bó thân thiết của em với bạn. Em hãy tìm ý, lập dàn ý cho đề bài này rồi dựa và dàn ý để viết thành bài văn hoàn chỉnh.

Dàn bài:

A. Mở bài

- Em có rất nhiều người bạn

- Nhưng thân thiết nhất với em là bạn Thủy, cô bạn ở  ngay cạnh nhà em

B. Thân bài

1. Tả ngoại hình

- Dáng người nhỏ nhắn, xinh xắn

- Mái tóc đen mượt dài đến ngang lưng

- Đôi mắt to, long lanh, đen láy

- Hàm răng đều, miệng cười tươi và có lúm đồng tiền

2. Tính nết, tài năng

- Vui vẻ, hài hước, hòa đồng với bạn bè

- Thích giúp đỡ và bênh vực bạn bè

- Khéo léo: Vẽ đẹp, biết khâu vá, đan nát

- Là người thường tổ chức ra những trò chơi vui vẻ để kết nối mọi người với nhau

3. Kỉ niệm tình bạn

- Chơi với nhau từ khi còn học mẫu giáo, mỗi một chuyện lớn bé trong cuộc đời đều cùng nhau trải qua

- Một lần giận nhau

C. Kết bài

Tình cảm đối với người bạn đó

Bài viết tham khảo

            Em có rất nhiều người bạn nhưng người đã gắn bó với em từ tấm bé là Thủy. Cô bạn ở ngay cạnh nhà em, thân thiết với em ngay từ khi hai đứa còn học mẫu giáo với nhau.

            Thủy có dáng người nhỏ nhắn, xinh xắn. Vóc dáng nhỏ bé nhưng bù lại Thủy rất nhanh nhẹn. Thoắt cái đã làm xong việc đâu ra đấy, thoắt cái đã chạy tới chỗ này, thoắt cái đã bước tới chỗ kia. Thủy có một mái tóc đen mượt, dài tới ngang lưng. Trong khi mà nhiều bạn đã bắt đầu theo đuổi mái tóc ngắn, nhuộm màu thì Thủy vẫn trung thành với nét đẹp truyền thống đó. Mái tóc đen đó càng làm nổi bật làm da trắng của bạn. Đôi mắt của Thủy to, long lanh và đen lay láy. Mỗi lúc nói chuyện đôi mắt ấy sáng lấp láy, linh động khiến ai cũng phải mải miết chú ý mà ngước nhìn. Người ta nói đôi mắt là cửa sổ tâm hồn của mỗi người, nhìn vào đôi mắt ươn ướt ấy ngay từ đầu em đã cảm nhận được Thủy là cô bạn vô cùng nhạy cảm và sống nội tâm. Khuôn miệng bạn lúc nào cũng mỉm cười vui vẻ, mỗi lần cười tươi lại lộ ra lúm đồng tiền duyên ơi là duyên.

            Thủy là một cô bé vô cùng hài hước, ở đâu có bạn ấy thì ở đó sẽ không bao giờ thiếu những tiếng cười. Người ta bảo vui vẻ không phải là một loại tính cách mà nó là một loại năng lực, năng lực khiến cho những người xung quanh mình được vui vẻ. Khi nghe câu này em đã nghĩ đến Thủy, cô bạn sở hữu năng lực vui vẻ cực mạnh. Những câu chuyện của Thủy luôn thu hút mọi người và kéo gần tất cả lại với nhau. Lúc kể chuyện, đôi tay thường khua lên khua xuống, cái đầu lí lắc khiến ai trong chúng em đều cảm thấy vui vẻ. Đừng tưởng Thủy nhỏ con mà coi thường, bạn ấy còn rất thích giúp đỡ và bênh vực bạn bè. Đâu đâu cũng sẵn sàng sẵn tay giúp đỡ bạn bè mình. Còn nhớ hồi lớp 4 có một bạn trong lớp bị bắt nạt, Thủy không ngại đứng ra bênh vực và bảo vệ. Đồng thời Thủy cũng vô cùng  khéo léo, mỗi bức tranh mà Thủy vẽ vào giờ Mĩ thuật luôn sống đống, có hồn và mang một vẻ đẹp riêng chẳng lẫn đi đâu được. Mùa đông vừa rồi, Thủy tặng cho em một chiếc khăn bạn ấy tự đan khiến em thật bất ngờ, hóa ra bạn ấy còn biết đan nữa.

            Em và Thủy chơi với nhau  từ hồi mẫu giáo, chuyện vui buồn gì chúng em cũng cùng nhau trải qua cả. Cả tuổi thơ của em đều  tràn ngập hình dáng Thủy in hằn vào từng  kỉ niệm. Có một lần sinh nhật, vì Thủy đi xa về không kịp mua  quà tặng đúng ngày cho em, vào hôm sinh nhật bạn đã nói “Cậu ước điều gì? Tớ sẽ giúp cậu thực hiện”. Lúc đó em nói bừa rằng “Cậu cõng tớ ra hồ bơi đi” Không ngờ Thủy với vóc dáng nhỏ con khi ấy lại nhất quyết đòi cõng em ra hồ thật. Đó thật sự là món quà mà cả đời này em cũng không thể nào quên được.

            Người ta bảo những người bạn ở bên nhau từ thuở còn nhỏ sẽ ở bên nhau mãi mãi em tin rằng tình bạn của em với Thủy cũng sẽ như vậy.Chúng em sẽ cố gắng cùng nhau học tập thật tốt, chia sẻ với nhau những buồn vui trong cuộc sống và trở thành những người có ích cho xã hội.