B. Hoạt động thực hành - Bài 33A: Vì hạnh phúc trẻ thơ

Giải bài 33A: Vì hạnh phúc trẻ thơ phần hoạt động thực hành trang 155, 156, 157, 158 sách VNEN Tiếng Việt 5 với lời giải dễ hiểu

Lời giải

Câu 1

Em hiểu nghĩa của từ trẻ em như thế nào ? Chọn ý đúng nhất:

a) Trẻ từ sơ sinh đến 6 tuổi.

b) Trẻ từ sơ sinh đến 11 tuổi.

c) Người dưới 16 tuổi.

d) Người dưới 18 tuổi.

Gợi ý:

Trẻ em về mặt sinh học là con người ở giữa giai đoạn sinh ra và tuổi dậy thì. Người chưa đến tuổi trưởng thành thì gọi là trẻ em.

Trả lời:

Chọn c) là ý đúng: Người dưới 16 tuổi được xem là trẻ em. 

Câu 2

Trong các từ dưới đây, từ nào đồng nghĩa với từ trẻ em? Đánh dấu x vào ô trống thích hợp:


Gợi ý:

Em tự suy nghĩ xem từ trong sách vở hoặc trong cuộc sống người ta hay dùng từ gì để gọi những đứa trẻ.

Trả lời:

Những từ đồng nghĩa với trẻ em đó là:

Trẻ, trẻ con, con trẻ, trẻ thơ, thiếu niên, nhi đồng, thiếu nhi, con nít, trẻ ranh, nhóc con, tuổi thơ.

Câu 3

Tìm những hình ảnh so sánh đẹp về trẻ em (viết vào phiếu)

M: - Trẻ em như búp trên cành.

- Lũ trẻ ríu rít như bầy chim non.

Gợi ý:

Trẻ em thường được gắn với những hình ảnh mang ý nghĩa chỉ sự trong sáng, non nớt, tươi đẹp,....

Con từ gợi ý trên hãy suy nghĩ để tìm những hình ảnh so sánh phù hợp.

Trả lời:

Những hình ảnh so sánh đẹp về trẻ em là:

- Trẻ con như hoa mới nở

- Trẻ em như tờ giấy trắng

- Trẻ em là mầm non của đất nước

- Trẻ em là tương lai của Tổ quốc...

Câu 4

Nối từng thành ngữ, tục ngữ ở cột A với nghĩa thích hợp ở cột B. Viết kết quả vào vở.


 Gợi ý:

Em đọc kĩ các thành ngữ để ghép nối sao cho phù hợp.

Trả lời:


Câu 5

a) Nghe – viết bài thơ sau:

Trong lời mẹ hát

Tuổi thơ chở đầy cổ tích      

Dòng sông lời mẹ ngọt ngào                                      

Đưa con đi cùng đất nước            

Chòng chành nhịp võng ca dao.      

 

Con gặp trong lời mẹ hát                                        

Cánh cò trắng, dải đồng xanh     

Con yêu màu vàng hoa mướp      

“Con gà cục tác lá chanh”.  

 

Thời gian chạy qua tóc mẹ

Một màu trắng đến nôn nao

Lưng mẹ cứ còng dần xuống

Cho con ngày một thêm cao.

 

Mẹ ơi, trong lời mẹ hát

Có cả cuộc đời hiện ra

Lời ru chắp con đôi cánh

Lớn rồi con sẽ bay xa.

Trương Nam Hương

b) Đổi bài với bạn để soát và sửa lỗi.

Câu 6

a) Chép vào vở các cơ quan, tổ chức có trong đoạn văn sau:

Công ước về quyền trẻ em

            Công ước về quyền trẻ em là văn bản quốc tế đầu tiên đề cập toàn diện các quyền của trẻ em trên cơ sở thừa nhận trẻ em có quyền được chăm sóc, bảo vệ và giúp đỡ đặc biệt.

            Việc soạn thảo Công ước được tiến hành từ năm 1979. Nhóm công tác của Liên hợp quốc đặc trách việc soạn thảo gồm đại diện của 43 nước thành viên Ủy ban nhân quyền Liên hợp quốc và một số cơ quan thuộc hệ thống Liên hợp quốc như Tổ chức Nhi đồng Liên hợp quốc., Tổ chức Lao động Quốc tế cùng khoảng 50 tổ chức phi chính phủ như  Tổ chức Quốc tế về bảo vệ trẻ em, Liên minh Quốc tế Cứu trợ trẻ em, Tổ chức Ân xá Quốc tế, Tổ chức Cứu trợ trẻ em của Thụy Điển,…

            Sau 10 năm soạn thảo, sửa đổi, ngày 20-11-1989, Công ước được Đại hội đồng Liên hợp quốc chính thức thông qua. Từ ngày 2-9-1990, Công ước có hiệu lực, trở thành luật quốc tế. Đến tháng 12-1996, đã có 187 quốc gia tham gia Công ước.

            Việt Nam là quốc gia đầu tiên của châu Á và là nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước về quyền trẻ em.

Theo Vũ Ngọc Bình

 - Công ước: văn bản do nhiều nước cùng kí kết để quy định nguyên tắc và thể lệ giải quyết một vấn đề quốc tế.

- Đề cập: nói đến.

- Đặc trách: chịu trách nhiệm riêng về một vấn đề nhất định.

- Nhân quyền: quyền con người

- Tổ chức phi chính phủ: tổ chức không phải do chính phủ lập ra.

- Đại hội đồng Liên hợp quốc: một trong những cơ quan chính của Liên hợp quốc, bao gồm đại diện tất cả các nước thành viên để bàn bạc quyết định mọi vấn đề thuộc thẩm quyền của Liên hợp quốc.

- Phê chuẩn: xét duyệt, đồng ý cho thực hiện.

M:

1) …

2) Uỷ ban / Nhân quyền / Liên hợp quốc

3) …

4) …

5) Tổ chức / Quốc tế / về bảo vệ trẻ em

6) ….

7) …

8) Tổ chức / Cứu trợ trẻ em / của Thuỵ Điển

9) ….

(các chữ về, của đứng đầu mỗi bộ phận cấu tạo tên riêng nhưng không viết hoa vì chúng là quan hệ từ)

b) Trả lời câu hỏi: Tên các cơ quan, tổ chức trên được viết như thế nào?

Gợi ý:

Để trả lời câu hỏi này, em cần phân tích từng tên thành các bộ phận bằng cách đánh dấu gạch chéo (xem M ở phiếu học tập)

Rút ra nhận xét về quy tắc viết hoa tên các cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Trả lời:

a) Tên các cơ quan, tổ chức có trong đoạn văn:

- Liên hợp quốc

- Ủy ban / Nhân quyền / Liên hợp quốc

- Tổ chức / Nhi đồng / Liên hợp quốc

- Tổ chức / Quốc tế / về bảo vệ trẻ em 

- Liên minh / Quốc tế / Cứu trợ trẻ em

- Tổ chức / Ân xá / Quốc tế

- Tổ chức / Cứu trợ trẻ em / của Thụy Điển

- Đại hội đồng / Liên hợp quốc

b) Cách viết hoa:

-  Viết hoa chữ cái đầu của mỗi bộ phận tạo thành tên đó!

-  Bộ phận thứ ba là tên địa lí nước ngoài (Thụy Điển - phiên âm theo âm Hán việt — viết hoa chữ cái đầu của mỗi tiếng tạo thành tên đó (viết như viết tên riêng Việt Nam).