Câu 1
Đọc bài văn sau và trả lời câu hỏi:
Mưa rào
Một buổi có những đám mây lạ bay về. Những đám mây lớn, nặng và đặc xịt lổm ngổm đầy trời. Mây tản ra từng nắm nhỏ rồi san đều trên một nền đen xám xịt. Gió nam thổi giật mãi. Gió bỗng đổi mát lạnh, nhuốm hơi nước. Từ phía nam bỗng nổi lên một hồi khua động dạt dào. Mưa đã xuống bên kia sông: gió càng thêm mạnh, mặc sức điên đảo trên cành cây.
Mưa đến rồi lẹt đẹt….lẹt đẹt…mưa giáo đầu. Những giọt nước lăn xuống mái phên nứa: mưa thực rồi. Mưa ù xuống khiến cho mọi người không tưởng được là mưa lại kéo đến chóng thế. Lúc nãy là mấy giọt lách tách, bây giờ bao nhiêu nước tuôn rào rào. Nước xiên xuống, lao xuống, lao vào bụi cây. Lá đào, lá na, lá sói vẫy tai run rẩy. Con gà sống ướt lướt thướt tìm chỗ trú. Mưa xuống sầm sập, giọt ngã, giọt bay, bụi nước tỏa trắng xóa. Trong nhà bỗng tối sầm, một mùi nồng ngai ngái, cái mùi xa lạ, man mác của những trận mưa đầu mùa. Mưa rào rào trên sân gạch. Mưa đồm độp trên phên nứa, đập bùng bùng vào lòng lá chuối. Tiếng giọt tranh đổ ồ ồ…
Nước chảy đỏ ngòm bốn bề sân, cuồn cuộn dồn vào các rãnh cống đổ xuống ao chuôm. Mưa xối nước được một lúc lâu thì bỗng trong vòm trời tối thẫm vang lên một hồi ục ục ì ầm. Tiếng sấm, tiếng sấm của mưa mới đầu mùa…
Mưa đã ngớt. Trời rạng dần. Mấy con chim chào mào từ hốc cây nào đó bay ra hót râm ran. Mưa tạnh, phía đông một mảng trời trong vắt. Mặt trời ló ra, chói lọi trên những vòm lá bưởi lấp lánh.
(Theo Tô Hoài)
a) Những dấu hiệu nào báo hiệu cơn mưa sắp đến?
b) Những từ ngữ nào tả tiếng mưa và hạt mưa từ lúc bắt đầu đến lúc kết thúc cơn mưa?
c) Những từ ngữ nào tả cây cối, con vật, bầu trời trong và sau cơn mưa?
d) Tác giả đã quan sát cơn mưa bằng những giác quan nào?
Gợi ý:
a) Em đọc đoạn văn thứ nhất từ “Một buổi có…” đến “…trên cành cây”
b) Em đọc từ “Mưa đến rồi ….” Cho đến “…mưa mới đầu mùa”chú ý những từ ngữ miêu tả âm thanh tiếng mưa và hạt mưa.
c) Em đọc từ “Mưa đến rồi…” cho đến hết bài.
d) Các giác quan có thể sử dụng để quan sát sự vật:
- Thính giác (bằng tai)
- Thị giác (bằng mắt)
- Khứu giác (bằng mũi)
- Xúc giác (bằng tay)
- Vị giác (bằng miệng)
Gợi ý:
a) Những dấu hiệu báo cơn mưa sắp đến là:
- Có những đám mây bay về.
- Những đám mây lớn, nặng và đặc xịt lổm ngổm đầy trời; tản ra rồi san đều trên nền trời đen xám xịt.
- Gió thổi giật mãi rồi bỗng đổi mát lạnh, nhuốm hơi nước.
- Một hồi khua động dào dạt ở phía nam.
b) Những từ ngữ diễn tả tiếng mưa và hạt mưa từ lúc bắt đầu đến lúc kết thúc cơn mưa: lẹt đẹt, lách tách, rào rào, sầm sập, đồm độp, bùng bùng, ồ ồ, ục ục, ì ầm,
- Tiếng mưa: lẹt đẹt, sầm sập, rào rào, đồm độp, bùng bùng,
- Hạt mưa: lách tách, rào rào
c) Những từ ngữ miêu tả cây cối, con vật, bầu trời trong và sau cơn mưa là:
- Trong cơn mưa:
+ Lá đào, lá na, lá sói: vẫy tay run rẩy
+ Con gà sống ướt lướt thướt ngật ngưỡng tìm chỗ trú
+ Vòm trời tối thẫm vang lên một hồi ục ục ì ầm
- Sau cơn mưa:
+ Trời rạng dần
+ Mấy con chim chào mào từ hốc cây nào đó bay ra hót râm ran.
+ Mưa tạnh, phía đông một mảnh trời trong vắt.
+ Mặt trời ló ra, chói lọi trên những vòm lá bưởi lấp lánh
d) Tác giả đã quan sát cơn mưa bằng những giác quan:
- Thính giác: Nghe thấy tiếng mưa: lách tách, rào rào, lẹt đẹt,…
- Thị giác: Nhìn thấy sự thay đổi màu sắc trên bầu trời: nền trời đen xám xịt, vòm trời tối thẫm, mảng trời trong vắt,..
- Khứu giác: Ngửi thấy mùi nồng nồng, ngai ngái trong nhà,..
Câu 2
Lập dàn ý cho bài văn miêu tả một cơn mưa
Gợi ý:
a) Mở bài
Giới thiệu: Đó là cơn mưa vào buổi sáng hay trưa, chiều, tối? Vào mùa nào (xuân, hạ, thu, đông/ mùa mưa, mùa khô)? Diễn ra ở đâu?
b) Thân bài
- Lúc sắp mưa, cảnh vật xung quanh em (bầu trời, nắng, gió, chim chóc,…) có những dấu hiệu gì khác thường?
- Lúc cơn mưa bắt đầu diễn ra, những giọt nước rơi xuống ra sao? Không khí lúc đó như thế nào?
- Trong lúc mưa, cảnh vật (cây cối, đường sá, nhà cửa,…) âm thanh (tiếng mưa rơi, gió thổi, nước chảy, nước chảy,…) có những nét gì nổi bật?
- Cơn mưa kết thúc thế nào? Cảnh vật và con người sau cơn mưa có những biểu hiện gì thay đổi so với trước cơn mưa?
c) Kết bài:
Cảm nghĩ: Cơn mưa đem lại cho em cảm giác thế nào (hoặc gợi cho em những điều gì về cuộc sống xung quanh)?
Trả lời:
A. Mở bài: Giới thiệu bao quát
Cơn mưa diễn ra trong hoàn cảnh nào?
Sau một thời gian dài trời đất nắng nóng nứt nẻ. Chiều tối nay, bỗng đâu mây đen kéo tới báo hiệu một cơn mưa sắp về
B. Thân bài: Tả sự thay đổi của cảnh vật theo thời gian
- Lúc sắp mưa
+ Mây đen từ đâu kéo đến, đất trời âm u
+ Trong từng cơn gió còn cảm thấy có luồng không khí mát lạnh
+Mọi người vội vàng thu dọn, sắp xếp đồ đạc và công việc để tránh cơn mưa
- Lúc bắt đầu mưa
+ Từng hạt mưa bắt đầu rơi lộp độp trên những mái hiên.
+Mưa ào ào trắng xóa đất trời
+Thỉnh thoảng xen lẫn tiếng mưa còn có tiếng sấm ầm ầm và ánh chớp xé ngang bầu trời.
+Cây cối hai bên đường tha hồ được cơn mưa tắm mát, vỗ về.
+Mưa xối xả ngập lụt từng con đường
+Người người hối hả trong những chiếc áo mưa lái xe xé tan màn mưa để mong trở về nhà thật nhanh.
+Đâu đó dưới mái hiên, vài người đứng lại trú mưa.
+Lũ chim ướt thượt lượt, trú mình trong những tán cây lớn
- Sau cơn mưa
+Bầu trời trở nên quang đãng
+Ánh nắng nhẹ nhàng chiếu soi như muốn hong khô vạn vật sau cơn mưa
+Cây lá như được rửa trôi sạch lớp bụi, xanh mướt.
+Lũ chim bắt đầu hót ríu rít sau những bụi cây
+Người người lại hối hả tiếp tục công việc của mình
C. Kết bài
Cơn mưa rào kéo đến như tiếp thêm sinh khi cho con người và vạn vật sau những ngày nắng nóng không mưa.
Câu 3
Chuẩn bị kể một việc làm tốt góp phần xây dựng quê hương, đất nước.
Gợi ý:
1/ Những việc làm thể hiện ý thức xây dựng quê hương, đất nước
- Góp công, góp của xây dựng đường sá, cầu cống…
- Giữ gìn vệ sinh, trật tự đường phố, xóm làng
- Trồng cây, trồng hoa bảo vệ môi trường.
- Vận dụng nhân dân xây dựng nếp sống mới.
2/ Kể những chuyện gì?
- Có thể kể câu chuyện em thấy trong gia đình, ở trường, ở làng xóm, phố phường, nơi công cộng trên đường, trong bệnh viện, bưu điện, cửa hàng, bến xe,…) cũng có thể kể những câu chuyện em xem trên ti vi.
- Có thể kể câu chuyện về việc làm tốt của một người thân, của một người xa lạ hay kể việc làm của em.
3/ Kể như thế nào?
- Câu chuyện của em bắt đầu như thế nào?
- Diễn biến chính của câu chuyện.
- Cảm nghĩ của em về hành động của người trong câu chuyện.
Trả lời:
Tôi xin kể cho các bạn nghe câu chuyện của ở khu phố tôi hưởng ứng khẩu hiệu “sạch nhà đẹp phố” do ủy ban Nhân dân thị xã phát động tuần trước. Chuyện như thế này.
Sáng chủ nhật hôm ấy, mọi người trong khu phố không hiểu sao tụi nhỏ lại ra đường sớm thế. Trên tay đứa nào đứa nấy đều cầm một cái chổi tàu cau và que gắp, tập trung ở đầu ngõ. Bác Khánh - trưởng khu phố - đi ngang qua hỏi: “Các cháu làm gì mà đứng ở đây?” Tôi nhanh nhẹn trả lời: “Chúng cháu làm vệ sinh khu phố bác ạ!” Bác khen chúng tôi: “Các cháu giỏi quá. Nhớ cẩn thận đừng để xảy ra tai nạn nhé!” Con đường vào khu phố của chúng tôi dài khoảng hai trăm mét. Đứa dùng que gắp các bịch mủ, đứa cầm chổi quét rác vun vào một đống, bỏ vào thùng rác công cộng. Vừa làm chúng tôi vừa chuyện trò rôm rã. Chỉ hơn một tiếng đồng hồ sau, con đường Trâm Bầu đi qua khu phố tôi sạch bóng. Các cô các chú đi ngang qua, ai cũng buông một lời khen: “Tụi nhỏ khu phố mình ngoan thật!” Đứa nào đứa mấy nhìn nhau mỉm cười. Anh Thành học trên tôi một lớp tập trung chúng tôi lại nói: “Từ đây trở đi, đúng vào sáng chủ nhật hàng tuần, mời các bạn tập trung ở đầu ngõ với dụng cụ lao động mà các bạn có hôm nay, chúng ta làm vệ sinh đường phố của mình như hôm nay”
Chuyện làm “sạch nhà đẹp phố” của chúng tôi là thế đấy.Chuyện cũng đơn giản thôi nhưng lại khiến tôi nhớ mãi. Khi được góp một phần công sức bé nhỏ làm việc có ích cho xã hội trong lòng cảm thấy sung sướng, lâng lâng đến kì lạ.
Câu 4
Cùng kể chuyện
- Chú ý kể rõ trình tự các việc xảy ra, hành động của nhân vật (chú ý nhấn mạnh những chi tiết liên quan đến việc làm tốt góp phần xây dựng quê hương)
- Trao đổi với bạn bè về ý nghĩa của câu chuyện.
- Thi kể lại câu chuyện trước lớp.