Bố cục: 2 phần
- Phần 1 (2 câu đầu): Bức tranh thiên nhiên vùng sơn cước.
- Phần 2 (2 câu cuối): Bức tranh sinh hoạt.
Nội dung chính
Bài thơ cho ta thấy vẻ đẹp tâm hồn và nhân cách người nghệ sĩ – chiến sĩ Hồ Chí Minh: yêu thiên nhiên, yêu con người, yêu cuộc sống. Luôn kiên cường, ung dung, tự tại và lạc quan trong mọi hoàn cảnh.
Câu 1:So sánh bản dịch thơ với bản dịch nghĩa, tìm những chỗ chưa sát với nguyên tác (chú ý câu 2 và câu 3).
Trả lời:
Những điểm chưa sát trong bản dịch thơ so với nguyên tác:
- Câu 2: từ “chòm” chưa sát nên không gợi được sự lẻ loi, đơn độc của hình tượng mây; cụm từ “trôi nhẹ” chưa toát được hết trạng thái chậm rãi như không chuyển động của mây.
- Câu 3: dịch thừa chữ “tối” làm lộ ý thơ và giảm tinh thần lạc quan của tứ thơ.
Câu 2:Phân tích bức tranh thiên nhiên và cảm xúc của nhà thơ trong hai câu thơ đầu.
Trả lời:
Phân tích hai câu đầu:
- Bức tranh núi rừng rộng lớn, lạnh lẽo lúc chiều muộn:
+ Thời gian nghệ thuật: hoàng hôn → thời gian đẹp nhưng gợi buồn, gợi nỗi cô đơn, thường gắn với hình ảnh người lữ thứ trong thơ xưa.
+ Không gian nghệ thuật: rừng (“lâm”), trời (“thiên không”) → không gian rộng lớn, rợn ngợp nơi xứ người.
+ Hình ảnh: cánh chim mỏi mệt lúc cuối ngày đang đi tìm chốn ngủ (“quyện điểu”), áng mây đơn độc, lững lờ → bé nhỏ, đơn độc giữa không gian rợn ngợp.
- Bức tranh núi rừng ẩn chứa tâm trạng của nhà thơ:
+ Trạng thái mệt mỏi, rã rời sau một ngày dài chuyển lao của người tù cách mạng.
+ Nỗi cô đơn, lẻ loi của người tù khi phải xa quê hương, gia đình, đồng chí.
+ Khát khao trở về như cánh chim về tổ, khát khao tự do như áng mây tự tại.
Câu 3 :Bức tranh đời sống được cảm nhận trong hai câu sau như thế nào?
Trả lời
Phân tích hai câu sau:
- Bức tranh đời sống nơi xóm núi:
+ Hình ảnh cô gái xóm núi trong công việc xay ngô: trẻ trung, tươi tắn (“cô em”); vẻ đẹp khỏe khoắn, say sưa, lao động quên cả thời gian (“ma bao túc” – “bao túc ma hoàn”).
+ Hình ảnh lò than: đem lại hơi ấm xua tan cái giá lạnh, đem lại ánh sáng xua đi bóng tối, đem lại màu sắc nồng đượm khiến bức tranh trở nên tươi sáng, tràn đầy sức sống (chữ “hồng” là nhãn tự của bài thơ).
- Tâm trạng, cảm xúc của nhà thơ:
+ Hào hứng, thích thú và vui chung với niềm vui lao động của cô gái sơn cước.
+ Tinh thần lạc quan, phấn chấn khi điểm nhìn kết lại ở hình ảnh lò than rực hồng.
+ Tinh thần chủ động, bản lĩnh làm chủ hoàn cảnh của người chiến sĩ thời đại mới.
Câu 4 :Nhận xét về nghệ thuật tả cảnh và sử dụng ngôn ngữ trong bài thơ.
Trả lời:
Nghệ thuật đặc sắc trong bài thơ:
- Bút pháp tả cảnh ngụ tình, lấy điểm tả diện đem lại bức tranh chấm phá thú vị và nhiều bất ngờ cho người đọc. Hình ảnh thơ chọn lọc, có sức gợi hình gợi cảm lớn.
- Ngôn ngữ tự nhiên, giản dị mà gợi cảm, cô đọng, hàm súc.