Gợi ý:
A. Mở bài
Giới thiệu về con vật định tả
B. Thân bài
- Tả đặc điểm hình dáng (từ khái quát đến chi tiết) của con vật.
- Tả đặc điểm hoạt động của con vật (hoạt động thường xuyên, quen thuộc như mọi con vật cùng loài; hoạt động riêng, bất ngờ, khác với những con vật cùng loài)
C. Kết bài
Con vật gần gũi với cuộc sống của em, được em yêu quý như thế nào?
Các chú ở đồn Biên phòng bắt được một con chim hải âu sau trận bão. Con chim bị ốm nên đã lạc đàn. Bộ dạng nó ngơ ngẩn buồn thương.
- Không ai giết và ăn thịt chim hải âu bao giờ - Một bác sĩ Quân y đã nói thế.
Chim được cứu chữa, được săn sóc. Đến ngày thứ ba thì nó trở nên nhanh nhẹn. Nó vừa nhớ biển vừa lưu luyến con người.
Đến với biển là ta gặp hải âu. Hải âu là loài chim biển bơi lội giỏi, có thể bay trong bão tố. Nó có sải cánh dài, có con dài tới trên dưới 4 mét. Cánh dài nhưng hẹp và phẳng như tấm ván với bộ lông ken dày, vừa mềm
dẻo vừa bóng không ướt, không thấm nước. Hải âu có thể bay suốt ngày không vỗ cánh, không mệt mỏi; nhìn hải âu bay ta tưởng như một chiếc tàu lượn trên không.
Chiếc mỏ dài nâu đen có sọc trắng, ngoài cùng hơi cụp xuống, quắp lại. Mắt to, tròn đen, có viền một vòng lông trắng óng ánh. Lông hải âu phần lớn chỉ có hai màu: màu xám phía trên lưng, đuôi và cánh; phía dưới cổ, bụng, cánh và đuôi lại trắng mịn màng. Chăn lông ngỗng như chăn của Mỵ Châu đã quý, nhưng nếu có chăn lông bụng hải âu, em nghĩ, còn quý hơn nhiều. Mùa đông rét đắp thì ấm lắm.
Những dân chài lưới ở Vân Đồn cho hay: mùa xuân là mùa sinh sản của hải âu. Nó làm tổ ở vách đảo, đẻ trứng và nuôi con; mẹ con sống ở gần bờ một thời gian ngắn rồi bay ra biển xa. Ngoài mùa sinh sản, hải âu suốt ngày đêm ở ngoài khơi kể cả khi biển động và gió bão. Những đêm trăng, hải âu vẫn chao cánh bay lượn dệt biển. Cũng có lúc chúng nghỉ ngơi bằng cách đậu xuống nước, bồng bềnh trên biển. Chân hải âu màu nâu hồng, có màng như chân vịt giúp chúng bơi lặn dưới nước giỏi như khi bay trên trời. Tôm cá là thức ăn chính của hải âu. Cảnh hải âu bắt cá chuồn bay trông thật ngoạn mục. Các chuyên gia Nga công tác ở Vũng Tàu thường đứng trên tháp giàn khoan dầu tung bánh mì cho hải âu. Các chú Hải quân cho biết, ở quần đảo Trường Sa, những chiều nắng đẹp có hàng nghìn hải âu dệt biển, đứng trên các hạm tàu dõi theo cứ ngỡ là có muôn vàn chiếc thoi của các cô thợ dột trong điệu múa tung lên trời.
Đồng bào ở Móng Cái gọi hải âu là con chim mố, nên mới có câu tục ngữ: "Mặt trời lấp ló, chim mổ tung đàn". Nghĩa là mặt trời vừa mọc đã thấy hải âu bay đầy trời đầy biển. Hải âu là bạn lành của người dân chài, của người đi biển.
Sau một tuần hải âu bình phục, chú bác sĩ Quân y đeo vào chân chim một vòng đồng nhỏ xinh xắn rồi trả hải âu về với biển với trời. Chim vút cánh bay lên, vòng đi vòng lại ba bốn lần, rồi bay vút đi xa. Chú nói: "Vòng lượn của hải âu vừa rồi là lời chào giã biệt nghĩa tình. Hải âu bay cao, bay xa, bay mãi là cánh bay tự do. Trả hải âu về với biển rộng trời cao là nâng cánh tự do cho con chim hiền lành, tốt bụng...".
Chú đã kể cho em nghe nhiều chuyện lạ về chim hải âu đối với bà con đánh cá khi gặp bão ngoài khơi. Chim hải âu có cặp mắt buồn ngơ ngác vì đó là hồn bơ vơ của những người xấu số bỏ mình trên biển cả bao đời nay. Chuyện cổ A-rập kể rất cảm động chuyện hai anh em lạc nhau trên sa mạc, người anh đã nhập hồn vào hải âu bay đi tìm em khắp các vùng trời, vùng biển. Tiếng kêu của hải âu nghe buồn lắm: "Em ơi... em ơi". Có lắng tai nghe mới rõ. Chú dặn em: "Đừng bắt và bắn hải âu nhé ".
Những điều về hải âu được kể lại ở đây là những điều em đã nhìn thấy, nghe thấy trong dịp nghỉ hè năm 2005 khi ra thăm bố em - bộ đội Hải quân đang đóng tại đảo Cái Rồng thuộc tỉnh Quảng Ninh.
Sự tích về chim hải âu sao nhiều buồn thương thế, ơi con chim lành đáng yêu của biển quê hương.