I. Tác giả
1. Tiểu sử
- Vũ Trọng Phụng (1912 - 1939), sinh ra ở Mỹ Hào, Hưng Yên nhưng lớn lên và sinh sống tại Hà Nội.
- Ông sinh ra trong một gia đình nghèo khó và sớm mồ côi cha, nên ông phải thôi học sớm.
- Sau khi tốt nghiệp tiểu học, ông phải đi làm kiếm sống, nhưng chẳng bao lâu thì mất việc.
- Từ đó, ông sống chật vật, bấp bênh bằng nghề viết báo, viết văn, chuyên nghiệp.
- Khoảng năm 1937 – 1938, Vũ Trọng Phụng mắc bệnh lao, nhưng không có điều kiện để chạy chữa. Ông mất tại Hà Nội.
2. Sự nghiệp văn học
a. Tác phẩm chính
- Ông để lại khối lượng tác phẩm đồ sộ, tiêu biểu như: “Giông tố”, “Số đỏ”, “Vỡ đê”, “Kỹ nghệ lấy Tây”, “Cạm bẫy người”, ...
b. Phong cách nghệ thuật
- Văn chương Vũ Trọng Phụng thể hiện thái độ căm phẫn đối với xã hội “chó đểu”.
- Ông là cây bút trào phúng bậc thầy, một trong những đại biểu xuất sắc của xu hướng văn học hiện thực.
II. Tác phẩm
1. Tóm tắt tác phẩm
Tác phẩm xoay quanh câu chuyện của một người chết là cụ Tổ, từ khi cụ ngấp ngoải chết đến khi chết thật. Chuyện nhặng xị bắt đầu cũng xảy ra từ khi ông cụ mất và câu chuyện cũng chỉ có ý nghĩa từ giây phút này. Cụ chết để lại cho con cháu cơ hội để khoe mẽ với thiên hạ những nghịch lý của “thế hệ con cháu” hiếu thảo bằng những bộ trang phục âu hóa nửa tây nửa ta và những trò “Mèo mả gà đồng” của dâu con lẫn người xung quanh. Cái đám ma to tát cụ Tổ là một cuộc diễu hành của buổi lễ hội di động bằng mọi trò hề của tầng lớp trung thượng lưu. Qua đoạn trích, tác giả đã phơi bày những trò nhố nhăng, phi đạo đức lẫn truyền thống của những kẻ sống núp dưới gót giầy thực dân xâm lược, là bức tranh toàn cảnh của xã hội đương thời đầy thối nát lúc bấy giờ.
2. Tìm hiểu chung
a. Xuất xứ và hoàn cảnh ra đời
- Tiểu thuyết “Số đỏ” được viết và đăng báo năm 1936, in thành sách năm 1938.
- Đoạn trích thuộc chương XV của tiểu thuyết này.
b. Bố cục
- Phần 1 (từ đầu đến cho Tuyết vậy): Niềm vui và hanh phúc của các thành viên khi cụ tổ qua đời
- Phần 2 (tiếp đến đám cứ đi): cảnh đám ma gương mẫu
- Phần 3 (còn lại): Cảnh hạ huyệt
3. Tìm hiểu chi tiết
a. Ý nghĩa nhan đề
- Nhan đề xuất hiện như một sự châm biếm, mỉa mai : tang gia mà lại hạnh phúc
- Nhan đề thể hiện sự đối lập, mâu thuẫn tạo nên tiếng cười bi hài: Một bên là sự tang thương, mất mát đáng lẽ phải đau buồn lại song hành với hạnh phúc, niềm vui.
=> Nhan đề đã dự báo một màn hài kịch sắp diễn ra với nhiều nghịch lí và những pha “cười ra nước mắt”.
b. Niềm vui và hạnh phúc của các thành viên khi cụ Tổ qua đời
* Nguyên nhân của tấn bi hài
- Cụ Tổ mất đi, di chúc được thực thi.
- Ước nguyện của mọi người trong gia đình được thực hiện.
* Những niềm hạnh phúc khác nhau trong gia đình
- Cụ cố Hồng
+ Mới chỉ 50 tuổi nhưng luôn ước mơ được gọi là cụ cố.
+ Nhắm mắt, tượng tưởng lúc “mặc áo xô gai trắng lụ khụ chống gậy, vừa ho khạc vừa khóc mếu máo.”
=> Đây là nhân vật điển hình cho sự ngu dốt và háo danh.
- Ông Văn Minh được dịp quảng cáo, kiếm tiền.
- Bà Văn Minh có dịp mặc những bộ xô gai tân thời và lăng xê những bộ y phục táo bạo.
- Cô Tuyết thì được mặc bộ y phục ngây thơ.
- Ông Phán mọc sừng tin rằng “đôi sừng” có giá trị của mình sẽ được trả công.
- Cậu Tú Tân thì có dịp khoe tài chụp ảnh.
* Hạnh phúc lan ra cả những người bên ngoài
- Xuân tóc đỏ có uy tín ngày càng cao.
- Bạn bè cụ cố Hồng có dịp khoe huân chương, râu ria
- Cảnh binh sung sướng vì có việc làm
- Đám trai thanh gái lịch có dịp hẹn hò tình tứ, “chim chuột nhau”.
- Sư cụ Tăng Phú thì “sung sướng vênh váo”
c. Cảnh đám ma “gương mẫu”
* Không khí: Hỗn loạn
- Như một đám hội, đám rước
- Tổ chức linh đình theo cả lối Tây, Tầu, Ta: “có kiệu bát cống, lợn quay đi lọng, cho đến lốc bốc xoảng….”
* Các nhân vật trong đám tang
- Trong đám ma cụ Tổ, cô Tuyết mặc bộ trang phục Ngây thơ để cả thiên hạ biết cô chưa đánh mất chữ trinh.
- Xuân tóc đỏ khiến cụ Tổ chết lại được chào đón trịnh trọng.
- Cậu Tú Tân thể hiện trình độ chụp ảnh bằng cách nhảy lên những ngôi mộ khác.
- Sư cụ Tăng Phú vênh váo vì sẽ có người nghĩ cụ có chiến công hiển hách “lật đổ Phật giáo”.
- Đám con cháu là ê kíp đạo diễn, diễn viên, nhiếp ảnh tài ba.
- “Đám cứ đi” và nam nữ cứ “chim nhau, cười tình với nhau”
* Cảnh hạ huyệt:
- Cụ cố Hồng mếu máo khóc ngất đi “Hứt, hứt, hứt”
- Ông Phán mọc sừng rúi tiền vào tay Xuân tóc đỏ.
=> Đám tang trở thành trò diễn bịp bợm, lố bịch và lố lăng, đồi bại.
d. Giá trị nội dung
Tác giả tố cáo xã hội nhố nhăng, suy tàn, thối nát. Miêu tả cái "đám cứ đi", nhà văn muốn phơi bày tất cả sự giả dối, bịp bợm, vô đạo đức của xã hội thượng lưu. Từ đó nhà văn đả kích châm biếm sâu cay, thâm thuý những thói xấu xa của xã hội đương thời.
e. Giá trị nghệ thuật
- Xây dựng những chi tiết mâu thuẫn trào phúng ấn tượng trong đoạn trích:
+ cảnh đám ma được tổ chức rất đông rất to
+ cảnh cậu Tú tân bắt mọi người phải đóng kịch để chụp hình
+ cảnh ông Phán oặt người đi, khóc thảm thiết trên tay Xuân
- Nghệ thuật xây dựng và phát triển các tình huống
- Giọng văn mỉa mai, sử dụng thủ pháp cường điệu, nói quá được sử dụng một cách linh hoạt
- Ngòi bút miêu tả sắc sảo: Những nét riêng của từng nhân vật trong đoạn trích.
Nhận định
Một số nhận định về tác giả, tác phẩm
1. Lưu Trọng Lư nhận xét về con người Vũ Trọng Phụng : “Trên trang viết Vũ Trọng Phụng sắc sảo bao nhiêu thì trong cuộc đời Vũ Trọng Phụng càng chân thành bấy nhiêu.Con người ấy không giết quá một con muỗi .Nhưng thật kì diệu,văn chương của con người ấy làm cho kẻ trọc phú phải giật mình,kẻ trưởng giả phải cáu kỉnh.”
2. Đọc “Số đỏ” nhiều nhà nghiên cứu nhận xét: “Đây là cái bi của người chết, cái hài của xã hội, cái vô phúc của gia đình giàu sang lắm tiền nhiều của nhưng thiếu tình người.”
3. Đáp lời báo Ngày nay, Vũ Trọng Phụng có nói: “Các ông muốn cuốn tiểu thuyết cứ là tiểu thuyết. Tôi và các nhà văn có cùng chí hướng như tôi, muốn tiểu thuyết là thực sự ở đời (...) Các ông muốn theo tiểu thuyết tuỳ thời, chỉ nói cái thiên hạ thích nghe, nhât là sự giả dối. Chúng tôi chỉ muốn nói cái gì đúng sự thực, thành ra nguy hiểm, vì sự thực mất lòng.”