Tình huống 1 : Cha mẹ Nam là công dân Việt Nam và đều là nhân viên Đại sứ quán Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Cộng hoà liên bang Đức. Nam được sinh ra và lớn lên ở đó. Nam đi học cùng với trẻ em Đức, học giỏi và nói tiếng Đức rất thạo. Nam chỉ khác người Đức ở mái tóc đen và nước da ngăm đen. Các bạn hỏi : "Nam là người nước nào, mang quốc tịch gì ?". Nam trả lời : "Nam là người Việt Nam và mang quốc tịch Việt Nam".
Tình huống 2 : Hiện nay có một số trẻ em có mẹ là người Việt Nam. Các em không có bố và cũng không biết bố là công dân nước nào. Từ khi sinh ra các em đều được hưởng mọi chế độ chăm sóc về y tế, giáo dục, văn hoá, xã hội,... do Nhà nước quy định, không có sự phân biệt đối xử nào. Nhưng có một số người vẫn hoài nghi, không biết các em có phải là công dân của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam hay không ?
Tình huống 3 : Bố Nhung là người Việt Nam, mẹ Nhung là người Nga, hai người cùng học đại học ở Nga, yêu nhau và kết hôn với nhau. Mẹ đã sinh ra Nhung ở Mát-xcơ-va, sau đó cả gia đình về Việt Nam sinh sống.
Tình huống 4 : Lớp 6A tổ chức họp để thảo luận về nhiệm vụ của người học sinh trong nhà trường.
Tổ 1 cho rằng học tập là quyền của công dân (vì học sinh là công dân).
Tổ 2 cho rằng học tập là nghĩa vụ của công dân (vì học sinh là công dân).
Tổ 3 cho rằng học tập vừa là quyền, vừa là nghĩa vụ của người học sinh, vì học sinh là công dân của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.