I. Tác giả
1. Tiểu sử - Cuộc đời
- An-tôn Páp-lô-vích Sê-khốp (1860 – 1904)
- Ông sinh trưởng trong một gia đình buôn bán nhỏ ở thị trấn Ta-gan-rốc, bên bờ biển A-dốp
- Năm 1884, tốt nghiệp Khoa Y, Trường Đại học Tổng Mát-xcơ-va. Ông vừa là nhà văn vừa tham gia nhiều hoạt động xã hội, văn hóa, giáo dục.
- Năm 1887, ông được nhận giải thưởng Pu-skin của Viện Hàn lâm khoa học Nga.
- Năm 1900, Sê-khốp được bầu làm Viện sĩ danh dự Viện Hàn lâm khoa học Nga.
- 1904, bị mắc bệnh phổi nặng, sang Đức chữa bệnh và mất ở nước ngoài. Gia đình và bạn bè đã đưa thi hài ông về nước.
2. Sự nghiệp văn học
a. Tác phẩm chính
- Sự nghiệp sáng tác đồ sộ ở nhiều thể loại:
+ Hơn 500 truyện ngắn và truyện vừa: Anh béo và anh gầy, Con kì nhông, Phòng số 6…
+ Nhiều vở kịch: Hải âu, Cậu Va-ni-a, Ba chị em,…
b. Phong cách nghệ thuật
- Đặc điểm nổi bật trong phong cách nghệ thuật Sê-khốp là sự giản di, thâm trầm, hàm súc.
- Cốt truyện thường đơn giản, ít yếu tố gay cấn, nhưng thường đặt ra những vấn đề có ý nghĩa xã hội to lớn, ý nghĩa nhân bản sâu xa.
- Đặc biệt ông rất chú ý tới các chi tiết khắc họa nhân vật, tô đậm chủ đề tư tưởng của tác phẩm
=> Sê-khốp được xem là đại biểu lớn cuối cùng của văn học hiện thực Nga nửa cuối thế kỷ XIX, là nhà cách tân thiên tài về thể loại truyện ngắn và kịch nói.
II. Tác phẩm
1. Tóm tắt truyện "Người trong bao"
Bê-li-cốp là một giáo viên dạy tiếng Hi Lạp ở thành phố nhỏ nước Nga, ông nổi tiếng với phong cách ăn mặc hết sức đặc biệt. Quanh năm ông đều đi giày cao su, cầm ô và luôn luôn khoác thêm áo bành tô ấm cốt bông. Ông luôn để những dụng cụ cá nhân của mình vào một cái bao.
Bê-li-cốp khát khao thu mình vào trong một cái vỏ, tạo cho mình một vỏ bọc để ngăn cách bảo vệ bản thân trước những ảnh hưởng, tác động từ bên ngoài. Cuộc sống khiến Bê-li-cốp cảm thấy khó chịu và sợ hãi vì vậy, ông luôn có ý nghĩ không thực, luôn ngợi ca quá khứ, mơ tưởng về những thứ không tồn tại. Ngay cả ý nghĩ ông cũng sợ có người biết được, ông luôn cố giữ như cất giấu vào "bao".
Bê-li-cốp có thói quen rất kì quặc đó là đi hết nhà các giáo viên cùng dạy. Đến bất kỳ nhà nào, ông cũng kéo ghế ngồi rồi chẳng nói bất kỳ điều gì, chỉ nhìn xung quanh như đang tìm kiếm thứ gì đó, khoảng một giờ sau thì ông ra về. Ai cũng sợ ông, từ giáo viên đến hiệu trưởng, hiệu phó. Tuy sống cô đơn, một mình, nhưng ông cũng nghĩ đến việc sẽ cưới vợ. Và người đó là Va-ren-ca, là chị gái của Cô-va-len-cô, giáo viên trẻ mới ra trường.
Có người đã gửi cho Bê-li-cốp một bức tranh châm biếm. Ngày chủ nhật hôm sau, Bê-li-cốp chứng kiến cảnh hai chị em Va-ren-ca phóng xe vút qua khiến ông vô cùng ngạc nhiên và hoảng hốt. Nên tối hôm đó, Bê-li-cốp đã đến nhà Va-ren-ca để góp ý hai chị em họ. Hai người họ cãi nhau, Bê-li-cốp đoạn sẽ báo cáo sự việc này với hiệu trưởng nên Cô-va-len-cô đã túm áo và xô mạnh khiến Bê-li-cốp ngã nhào xuống cầu thang. Va-len-ca cười lớn, làm Bê-li-cốp cảm thấy nhục nhã vội vàng trở về nhà. Một tháng sau, Bê-li-cốp qua đời, mọi người cảm thấy nhẹ nhõm nhưng không lâu sau, lối sống cũ đã trở lại vì tính cách của Bê-li-cốp đã ảnh hưởng quá lớn đối với mọi người.
2. Hoàn cảnh ra đời
* Bối cảnh hẹp: Viết 1898 trong thời gian nhà văn dưỡng bệnh ở thành phố I-an-ta, trên bán đảo Crưm, biển Đen.
* Bối cảnh rộng: Xã hội Nga đang ngạt thở trong bầu không khí chuyên chế, u ám, nặng nề của nước Nga cuối thế kỷ XIX.
3. Bố cục: 3 phần
- Mở truyện: cuộc trò chuyện ở gần nhà kho giữa hai người bạn: bác sĩ thú y và thầy giáo.
- Thân truyện: về cuộc đời và tính cách của Bê-li-cốp.
- Kết truyện: nhận xét của bác sĩ thú y – người nghe chuyện.
2. Tìm hiểu chi tiết
a. Hình tượng nhân vật Bê – li – cốp :
* Chân dung Bê-li-cốp được vẽ bằng những nét kì quái, dị thường:
- Bộ mặt : giấu trong cổ áo bành tô bẻ cao , mắt đeo kính râm
- Trang phục: luôn mặc màu đen; luôn “đi giày cao su”, mặc áo bành tô và “giấu mặt sau chiếc cổ áo bành tô bẻ đứng lên”, “đeo kính râm”, “mặc áo bông chần”.
- Đồ dùng : Cái ô, đồng hồ quả quít, chiếc dao nhỏ để gọt bút chì ... đều được để trong bao.
* Lối sống :
- Ở nhà: “mặc áo khoác ngoài”, “ đội mũ”,“đóng cửa”,“cài then”; buồng ngủ “chật như cái hộp”
- Sinh hoạt: lúc nào cũng “đi giày cao su”, “cầm ô”,”mặc áo bành tô”, “đeo kính răm”, “mặc áo bông trần”, “lỗ tai nhét bông”, ngồi xe ngựa thì luôn “kéo mui lên”; ngủ - “kéo chăn trùm đầu kín mít".
- Đến thăm đồng nghiệp: kéo ghế ngồi chẳng nói gì, 1 tiếng sau ra về.
(“đến nhà... kéo ghế ngồi... ngồi im như phỗng... rồi độ một giờ sau thì cáo từ”)
=> Chân dung kì quái, lập dị, không dám đối mặt với thực tế. Với “khát vọng mãnh liệt thu mình vào trong một cái vỏ, tạo ra cho mình một thứ bao có thể ngăn cách, bảo vệ khỏi những ảnh hưởng bên ngoài”, “trốn tránh cuộc sống thực”.
* Tính cách của Bê – li – cốp :
- Bê-li-cốp có khát vọng mãnh liệt: “thu mình vào trong vỏ, tạo cho mình một thứ bao có thể ngăn mình khỏi những ảnh hưởng từ bên ngoài” → nhút nhát, ngại giao tiếp.
- Ý nghĩ giấu vào trong bao, không bao giờ dám có ý kiến về một vấn đề nào – “Cả ý nghĩ … bao”
- Nhút nhát, ghê sợ hiện tại nhưng lại ca ngợi, tôn sùng quá khứ: say mê và luôn ca ngợi tiếng Hi Lạp.
- Sùng bái cấp trên và những chỉ thị, thông tư một cách máy móc, rập khuôn – “Đối với hắn, … rõ ràng”
- Bảo thủ , giáo điều:
+ Đi xe đạp, mặc áo thêu ra đường là những việc buông thả
+ Phụ nữ mà đi xe đạp ra đường thì thật kinh khủng.
+ Thói quen trong quan hệ đồng nghiệp: “ngồi im như phỗng” và “ độ một giờ sau thì cáo từ”
- Luôn cô độc, lo lắng và sợ hãi:
+ Ở nhà: luôn đóng cửa, cài then, buồng nóng nực, ngột ngạt …
+ Câu nói cửa miệng: “Sợ nhỡ lại xảy ra chuyện gì”
+ Khi ngủ - “cảm thấy rờn rợn”, “sợ kẻ trộm chui vào nhà”
- Tự tin, tự hào về cách sống gương mẫu, trong sạch của mình.
=> Con người cô độc, kì quái, máy móc, giáo điều → Tính cách “trong bao”
* Cái chết của Bê-li-cốp :
- Nguyên nhân:
+ Va chạm với Cô-va-len-cô → Bê-lê-cốp bị ngã cầu thang
+ Va-ren-ca nhìn thấy Bê-li-cốp bị ngã, cười phá lên → Bê-li-cốp thấy xấu hổ và lo sợ → một tháng sau thì chết.
- Lúc chết: vẻ mặt trông hiền lành, dễ chịu, thậm chí còn có vẻ tươi tỉnh.
→ Cái chết của Bê-li-cốp bất ngờ nhưng là tất yếu. Với kiểu người và lối sống như Bê-li-cốp tất yếu xã hội sẽ đào thải.
=> Cái chết của Bê-li-cốp là một chi tiết quan trọng, đã đẩy tính cách nhân vật lên tới đỉnh điểm: bởi khi chết hắn vĩnh viễn được nằm trong “cái bao” mà hắn từng khao khát – quan tài.
b. Ảnh hưởng lối sống Bê-li-cốp với mọi người:
* Lúc Bê-li-cốp còn sống:
- Đồng nghiệp khinh ghét, ghê sợ hắn: “Bọn giáo viên … sợ hắn”
- Lối sống của Bê-li-cốp đã ảnh hưởng mạnh mẽ và dai dẳng đến mọi người trong thành phố
+ Các bà cô không dám tổ chức diễn kịch tối thứ bảy.
+ Nhà tu hành không dám ăn thịt và đánh bài
+ Người ta sợ nói to, sợ gửi thư, sợ làm quen, sợ đọc sách…
=> Cách sống của Bê-li-cốp có ảnh hưởng ghê gớm đến cộng đồng, xã hội.
* Khi Bê-li-cốp chết:
- Lúc đầu: mọi người cảm thấy nhẹ nhàng, thoải mái - “chúng tôi đều cảm thấy nhẹ nhàng thoải mái”.
- Nhưng sau đó: lại nặng nề, u ám, mệt nhọc như cũ – “chưa đầy một tuần sau cuộc sống lại diễn ra như cũ”.
→ Mặc dù Bê-li-côp chết, nhưng những kiểu người như hắn thì vẫn còn tồn tại và có sự ảnh hưởng day dẳng, nặng nề đối với nước Nga lúc bấy giờ.
- Lời nhận xét của I-van i-va-nứt : “Không thể sống mãi như thế được!” → thức tỉnh con người khỏi lối sống “trong bao”. Hãy sống rộng mở, chân thực, lành mạnh, trong sáng và có ý nghĩa cao đẹp hơn. Đó chính là thông điệp mà nhà văn muốn gửi gắm tới chúng ta qua truyện ngắn này.
c. Hình tượng “cái bao”:
“Cái bao” (12 lần) là biểu tượng giàu ý nghĩa, là sáng tạo nghệ thuật độc đáo của tác giả:
+ Nghĩa đen: dùng để gói đựng đồ vật, hàng hoá.
+ Nghĩa bóng: Lối sống và tính cách của Bê-li-cốp
→ Kiểu người trong bao, lối sống thu mình trong bao – cuộc sống trói buộc, kìm hãm của nhân dân Nga, tri thức Nga cuối thế kỷ XIX.
d. Giá trị nội dung
- Thể hiện cuộc đấu tranh giữa con người với cái “bao” chuyên chế và khát vọng sống là mình, loại bỏ lối sống “trong bao"
- Thức tỉnh “con người không thể sống mãi như thế này được”.
e. Giá trị nghệ thuật
- Cách kể, giọng chuyện chậm rãi, u buồn, giễu cợt một cách sâu cay.
- Nghệ thuật xây dựng nhân vật điển hình mang tính biểu tượng cho một giai cấp xã hội.
- Nghệ thuật xây dựng biểu tượng độc đáo, giàu tính khái quát.