Nhìn về vốn văn hóa dân tộc

Câu 1:Tác giả phân tích đặc điểm của vốn văn hóa dân tộc dựa trên những phương diện cụ thể nào của đời sống vật chất và tinh thần?

Trả lời:

Tác giả đã phân tích đặc điểm của vốn văn hóa dân tộc trên cơ sở những phương diện cụ thể của đời sống vật chất và tinh thần bao gồm:

- Các khía cạnh của đời sống vật chất:

            + Trình độ sản xuất hạn chế.

            + Mang đặc điểm của văn hóa dân nông nghiệp định cư.

            + Khoa học, kĩ thuật, giả khoa học: không phát triển thành truyền thống.

            + Đời sống sinh hoạt: ăn, mặc, ở đều không cầu kì.

- Các khía cạnh của đời sống tinh thần:

            + Tôn giáo, triết học không phát triển; Âm nhạc, hội họa, kiến trúc không phát triển đến tuyệt kĩ.

            + Ý thức về cá nhân và sở hữu không phát triển cao.

            + Ưa chuộng con người hiền lành, tình nghĩa.

            + Ứng xử: khôn khéo, thủ thế, giữ mình, không cự tuyệt cũng không ham cái dị kỉ.

            + Cái đẹp vừa ý là xinh, khéo, không chuộng cái tráng lệ, huy hoàng.

Câu 2:Theo tác giả, đặc điểm nổi bật nhất trong sáng tạo văn hóa của Việt Nam là gì? Đặc điểm này nói lên thế mạnh gì của vốn văn hóa dân tộc? Lấy dẫn chứng để làm sáng tỏ luận điểm này.

Trả lời:

- Đặc điểm nổi bật nhất trong sáng tạo văn hóa của Việt Nam là hướng vào cái đẹp dịu dàng, thanh lịch, duyên dáng, nhân bản, có quy mô vừa phải. Tinh thần chung của văn hóa Việt Nam là thiết thực, linh hoạt, dung hòa, bình ổn.

- Thế mạnh của nền văn hóa dân tộc: tạo ra cuộc sống thiết thực, bình ổn, lành mạnh, nhân bản; hướng con người đến lối sống hiền lành, tình nghĩa, chuộng hòa bình.

- Ví dụ cụ thể:

            + Về tôn giáo: linh hoạt dung hòa nhiều tôn giáo tín ngưỡng trong cuộc sống (Nho giáo, Phật giáo, Đạo giáo, các tín ngưỡng dân gian cùng song song tồn tại).

            + Các công trình kiến trúc nhỏ xinh, duyên dáng, thanh lịch, không có công trình nào đồ sộ, tráng lệ: chùa Một Cột, tháp Báo Thiên, hoàng thành Thăng Long,…

            + Nghệ thuật tinh tế, khéo léo: múa rối nước, chèo, quan họ, chầu văn…

→ Những đặc điểm này sẽ rõ hơn nữa khi so sánh với văn hóa của các quốc gia khác như Ai Cập, Trung Quốc, Ấn Độ,…

Câu 3: Những đặc điểm nào có thể xem là hạn chế của vốn văn hóa dân tộc.

Trả lời:

Hạn chế của vốn văn hóa dân tộc nằm ở các đặc điểm sau:

            + An phận thủ thường, không có khát vọng hướng đến những sáng tạo lớn lao.

            + Không đề cao trí tuệ, dè dặt trước cái mới.

Câu 4:Những tôn giáo nào có ảnh hưởng mạnh nhất đến văn hóa truyền thống Việt Nam? Người Việt Nam đã tiếp nhận tư tưởng của các tôn giáo này theo hướng nào để tạo nên bản sắc văn hóa dân tộc? Tìm một số ví dụ trong nền văn học để làm sáng tỏ vấn đề này.

Trả lời:

Ảnh hưởng của các tôn giáo đến văn hóa Việt Nam:

            + Tiếp thu có chọn lọc những yếu tố phù hợp với nền văn hóa bản địa.

            + Phật giáo: không được tiếp cận ở khía cạnh trí tuệ, cầu giải thoát.

            + Nho giáo: không được tiếp cận ở khía cạnh lễ nghi khắc nghiệt, tủn mủn

            + Tư tưởng Lão – Trang ảnh hưởng nhiều đến lớp trí thức cao cấp.

Ví dụ: Tiếp thu Phật giáo ở khía cạnh đề cao sự từ bi: Phật từ bi hỉ xả, thánh một ly một lai cũng chấp. Nhiều người Việt đến chùa không phải để hướng tới sự giải thoát hay cầu trí tuệ học thuyết nhà Phật mà để cầu bình an, sức khỏe và tài lộc, ví như tục đi chùa đầu năm, giải hạn…

Câu 5:Nhận định: "Tinh thần chung của văn hóa Việt Nam là thiết thực, linh hoạt, dung hòa" nhằm nêu lên mặt tích cực hay hạn chế của văn hóa Việt Nam? Hãy giải thích rõ vấn đề này?

Trả lời:

Nhận định “Tinh thần chung của văn hóa Việt Nam là thiết thực, linh hoạt, dung hòa” nhằm nêu lên đặc điểm của văn hóa Việt, đặc điểm này đem lại cả yếu tố tích cực và yếu tố tiêu cực.

- Mặt tích cực: nhạy cảm, tinh nhanh, khôn khéo gỡ các khó khăn, tìm được sự bình ổn, hướng đến sự uyển chuyển trong sáng tạo và ứng xử.

- Mặt tiêu cực: hạn chế tinh thần sáng tạo, không có khát khao bứt phá lớn lao.

Câu 6:Vì sao có thể khẳng định: "Con đường hình thành bản sắc dân tộc của văn hóa không chỉ trông cậy vào sự tạo tác của chính dân tộc đó, mà còn trông cậy vào khả năng chiếm lĩnh, khả năng đồng hóa các giá trị của văn hóa bên ngoài, về mặt đó, lịch sử đã chứng minh là dân tộc Việt Nam có bản lĩnh". Hãy liên hệ với thực tế lịch sử và văn học Việt Nam để làm sáng tỏ vấn đề này.

Trả lời:

- Có thể khẳng định “Con đường hình thành bản sắc văn hóa dân tộc…Việt Nam có bản lĩnh” vì:

            + Những nền văn hóa đóng khép, không tiếp thu, không tương tác hay cự tuyết các nền văn hóa khác sẽ làm trì trệ con đường hình thành bản sắc văn hóa dân tộc. Điều đó đồng nghĩa với việc từ chối cơ hội phát triển, mở mang. Không cá nhân nào có thể phát triển mà không giao lưu với các cá nhân khác trong xã hội, cũng không có quốc gia hay nền văn hóa nào phát triển phong phú hay lên tới đỉnh cao mà không dựa trên sự tạo tác của dân tộc mình và đồng thời chiếm lĩnh, đồng hóa giá trị văn hóa bên ngoài.

            + Dân tộc Việt Nam có bản lĩnh vừa giữ gìn sự tạo tác văn hóa của dân tộc vừa chiếm lĩnh, đồng hóa giá trị văn hóa bên ngoài. Ví dụ:

                  • Văn học: các nhà thơ trung đại tiếp thu thể thơ Đường luật nhưng có những sáng tạo mới mẻ (Nguyễn Trãi thêm những câu lục ngôn đầy bất ngờ vào bài thơ Đường; Hồ Xuân Hương đem yếu tố dân dã, đố tục giảng thanh vào thơ Đường; nhiều nhà thơ dùng chữ Nôm để làm sáng tác…).

                   • Tôn giáo: tiếp thu Phật giáo của Ấn Độ nhưng đồng hóa mang bản sắc Việt Nam, thể hiện ở kiến trúc chùa Việt, các hình tượng như Quan âm thị kính, Phật Mẫu Man Nương hay tích hợp thờ cúng đạo Mẫu ngay trong chùa.

LUYỆN TẬP:

HS chọn một trong ba đề để viết bài luận. Ở mỗi đề đều cần đảm bảo một số ý cơ bản sau:

- Giải thích vấn đề (VD: thế nào là tôn sư trọng đạo? Tết Nguyên đán là gì? Hủ tục là gì?).

- Bày tỏ quan điểm cá nhân, bàn bạc, đánh giá, mở rộng về vấn đề:

            + Truyền thống “tôn sư trọng đạo” đến nay còn tồn tại không? Truyền thống ấy có vai trò gì trong nhà trường và xã hội hiện nay? Cần nhìn nhận như thế nào về hàng loạt những vụ việc sai phạm và đau lòng trong giáo dục thời gian gần đây?

            + Lựa chọn một nét văn hóa anh/chị ấn tượng nhất trong dịp Tết. Lí giải vì sao chọn nét văn hóa ấy, so sánh với các nét văn hóa khác hoặc ở các quốc gia khác.

            + Lựa chọn một hủ tục anh/chị cảm thấy nhức nhối nhất trong lễ, Tết nước ta và phân tích các khía cạnh của hủ tục (tác hại, nguyên nhân…).

- Rút ra bài học nhận thức và hành động, đưa ra các giải pháp cho từng vấn đề.

Quote Of The Day

“Two things are infinite: the universe and human stupidity; and I'm not sure about the universe.”