Trong những nhà thơ nữ của ta ngày trước, sau nữ sĩ Hồ Xuân Hương người có phong cách rõ ràng nhất là bà Huyện Thanh Quan. Khác với những lời thơ rắn rỏi mạnh mẽ đầy khẩu khí Hồ Xuân Hương, thơ bà Huyện Thanh Quan là những lời thơ trang nhã nhẹ nhàng mang tính chất cung đình và luôn gợi nỗi buồn man mác. Trong những bài thơ bà để lại cho đời có lẽ tiêu biểu nhất là bài thơ Qua đèo Ngang. Đây là bài thơ tả cảnh ngụ tình độc đáo mà đặc sắc nhất là hai câu thơ cuối, đúng như nhận định của Tế Hanh trong bài Một bài thơ của bà Huyện Thanh Quan.
Trong bài thơ Qua đèo Ngang hai câu thơ xuất sắc nhất là hai câu thơ sau cùng:
Dừng chân đứng lại trời non nước
Một mảnh tình riêng ta với ta.
Hai câu này vừa kết thúc bài thơ, vừa mở ra một chân trời cảm xúc mới.
Phân tích tìm hiểu bài thơ chúng ta sẽ thấy rõ nhận định của Tế Hanh vô cùng tinh tế.
Chỉ với mười bốn tiếng gói trọn trong hai dòng, hai câu thơ tổng kết mọi ý trong bài. Ta thấy được toàn cảnh Đèo Ngang lắng đọng trong câu thơ “Dừng chân đứng lại trời non nước”. Đọc lời thơ ta hình dung được hình ảnh của nữ sĩ. Đang bước đi trên đỉnh đèo bà chợt dừng chân đứng lại. Trước mắt nhà thơ là cảnh trời, non, nước mênh mông bao la trống vắng. Trời trong bóng xế tà đang bao phủ lên mọi vật, làn khí ban chiều toả hơi giá buốt gợi sự hoang vắng cô liêu. Thêm vào đó, Đèo Ngang đồ sộ uy nghiêm sừng sững giữa khung trời bao la, cỏ cây hoa lá rậm rạp chen chúc nhau mọc um tùm. “Cỏ cây chen đá, lá chen hoa”. Cảnh thiên nhiên ngút ngàn ấy càng trở nên lạnh lẽo cô đơn bởi vẻ thưa thớt của con người lom khom dưới núi, lác đác bên sông. Và bóng dáng nhỏ bé của nữ sĩ dường như mất hút vào không gian mênh mông kia! Là người phụ nữ có tâm hồn nhạy cảm, tinh tế, bà cảm nhận được ngay sự lạc lõng, cô đơn của mình trước thiên nhiên rộng lớn.
Trời, non, nước hiện lên trong cảnh chiều tà vắng lặng, tĩnh mịch như đang muốn nuốt lấy con người bé nhỏ của nhà thơ. Tác giả chỉ còn như một chấm nhỏ trong bức tranh thiên nhiên ngút ngàn hoang vắng ấy. Câu thơ đã thâu tóm được cảnh trong bài thơ.
Và ở đây, tình của nhà thơ cũng được lắng lại trong câu cuối cùng “Một mảnh tình riêng ta với ta”. Mảnh tình riêng đó là tấm lòng của nhà thơ. Mang trong lòng nỗi buồn lúc cất bước ra đi, giờ lại được lan toả trong thiên nhiên, cái buồn ấy day dứt mãi khôn nguôi. Lòng bà thiết tha nhớ về đất nước, nhớ thành Thăng Long xưa cũ, nhớ quá khứ vàng son. Nỗi nhớ nước làm lòng bà đau đớn, xót xa theo từng tiếng kêu khắc khoải của con chim cuốc mà biến mình thành Thục Đế, mãi ôm ấp bóng hình, gọi về nước cũ thành xưa.
Nhớ nước đau lòng con quốc quốc
Thương nhà mỏi miệng cái gia gia
Là phụ nữ, bà không thoát khỏi nhi nữ thường tình. Theo mỗi bước chân, bà xa nhà, xa cố nhân thêm một ít, tình cảm càng mỏng manh khiến tâm hồn lạnh lẽo. Nghe tiếng kêu của con đa đa tìm bạn, bà thấy mái ấm gia đình với bao nhiêu người thân thích càng lúc càng xa vời vợi. Tất cả chìm sâu trong khoảnh khắc, giờ đây chỉ còn lại mình bà nơi đèo Ngang hiu quạnh. Mảnh tình riêng ấy được thâu gọn trong câu thơ kết thúc.
Hai câu thơ nhẹ nhàng như khép lại bài thơ, nhưng âm hưởng của lời thơ, cái tình của người làm thơ không khép. Cho nên hai câu thơ vừa kết thúc bài thơ lại mở ra một chân trời cảm xúc mới. Âm vang của câu thơ cuối Một mảnh tình riêng ta với ta như mở cho ta thấy được tâm tình của nữ sĩ ẩn chứa bên trong. Đúng như Tế Hanh đã nhận xét: Thơ là tấm lòng của người làm thơ, cái "cá nhân" của tác giả nói với chúng ta. Ở đây, trong bài thơ này, bà Huyện Thanh Quan đã kín đáo bày tỏ nỗi niềm của mình qua những lời thơ tha thiết. Đó là tâm sự của một con người đang cô đơn lạc lõng trong cảnh chiều tà ở đèo Ngang mang theo nỗi buồn thương nhà, nhớ nước. Đó là nỗi cô đơn, nỗi chán chường, bởi cái thực tại của xã hội đương thời, cảnh sống nhiễu nhương, chế độ đang đến thời kỳ suy tàn, nó không phù hợp với bà. Nỗi buồn riêng ấy là sự phủ nhận thực tại. Đây là sự phủ nhận đáng quý của một con người có tâm hồn trong sạch, có tình cảm thanh cao, yêu nước thương dân. Thế nhưng nỗi buồn ấy, mảnh tình riêng ấy, bà không thể thổ lộ được cùng ai. Nhà thơ đã tự gặp lại mình trong nỗi buồn thương nhớ cô đơn của riêng mình. Một nỗi buồn da diết, không bao giờ dứt. Cả bài thơ êm đềm như dòng sông âm thầm chảy, mặt nước thì lững lờ, nhưng mấy ai biết được sóng ngầm, bão. táp giấu kín ở đâu? Những cảnh vật tĩnh lặng, im lìm đến lạnh lùng ấy lại hé mở giúp ta hiểu được thế giới bên trong của nhà thơ. Đó là ý thức về "cái tôi" ở trong một thời đại mà "cái tôi" ấy đã bị xã hội đè nén.
Tóm lại, hai câu thơ kết thúc bài thơ Qua đèo Ngang đã khắc hoạ đậm nét bức tranh thiên nhiên tĩnh lặng trong bóng chiều tà với trời non nước bao la, đồng thời cũng in đậm được tình cảm của con người, nữ sĩ Thanh Quan với nỗi buồn sâu lắng cô đơn, nỗi buồn thời đại. Bài thơ mang nét đẹp của cảnh vật và cả nét đẹp của tầm hồn con người với một tình cảm đáng quý. Có lẽ vì thế mà bài thơ trở nên quen thuộc với mọi người, sống mãi với thời gian, với bao thế hệ bạn đọc. Ta chợt thấy bóng dáng của nữ sĩ như ẩn hiện trong từng lời thơ trầm buồn.
Dừng chân đứng lại trời non nước
Một mảnh tình riêng ta với ta.