Câu 1
Bố cục: 2 đoạn
- Đoạn 1 (Từ đầu đến “như cái chổi sể cùn”): Các thầy bói xem voi và phán về các bộ phận của con voi.
- Đoạn 2 (Còn lại): Hậu quả của việc phán voi.
Nội dung chính: Từ câu chuyện chế giễu cách xem và phán về voi của năm ông thầy bói, truyện khuyên người ta: muốn hiểu biết sự vật, sự việc phải xem xét chúng một cách toàn diện.
Trả lời câu 1 (trang 103, SGK Ngữ văn 6, tập 1):
- Cách các thầy bói xem voi và phán về voi là: dùng tay để sờ vì mắt các thầy đều mù. Mỗi thầy chỉ sờ được một bộ phận của voi, sờ được bộ phận nào thì phán hình thù con voi như thế.
- Thái độ của năm ông thầy bói khi phán về voi: Cả năm ông thầy bói đều phán sai về voi nhưng ai cũng một mực theo ý kiến chủ quan của mình và cho rằng ý kiến của người khác là sai.
Câu 2
Trả lời câu 2 (trang 103, SGK Ngữ văn 6, tập 1):
Năm thầy bói đều đã được sờ voi thật và mỗi thầy cũng đã nói được một bộ phận của voi, nhưng không thầy nào nói đúng về con vật này. Sai lầm của họ là ở chỗ:
+ Cả năm thầy đều có cách xem phiến diện: sờ một bộ phận nhưng đã nói cả con voi.
+ Các thầy đều không chịu lắng nghe ý kiến của nhau mà chỉ một mực theo ý kiến chủ quan của mình.
Câu 3
Trả lời câu 3 (trang 103, SGK Ngữ văn 6, tập 1):
Truyện ngụ ngôn “Thầy bói xem voi” cho ta bài học:
- Muốn hiểu đúng và đầy đủ bất cứ một sự vật, sự việc gì, chúng ta cần phải xem xét, đánh giá một cách thận trọng, toàn diện, tổng hợp ý kiến của nhiều người.
- Khi xem xét một sự vật, sự việc cần kết hợp các giác quan (tai nghe, mắt thấy,…)