Đề bài
Câu 1. Dòng nào sau đây chỉ gồm các từ đồng nghĩa với từ: “chăm chỉ”?
a) chú ý, tập trung, chăm làm.
b) cần mẫn, chịu khó, tỉ mỉ, cần cù.
c) chăm ngoan, chằm chằm, chăm chút.
Câu 2. Đặt một câu ghép dùng quan hệ từ, một câu ghép dùng cặp từ hô ứng.
Câu 3. Dựa vào nội dung đoạn thơ dưới đây, em hãy tả cánh đồng lúa chín.
Em đi giữa biển lúa vàng
Nghe mênh mang trên đồng lúa hát
Hương lúa chín thoang thoảng bay
Làm lung lay hàng cột điện
Làm xao động cả hàng cây.
(Bùi Đình Thảo)
Vui học:
Khen khéo
Lan: Nè, ông thấy tôi mặc cái áo mới này như thế nào?
Tuấn: Ồ, tuyệt cú mèo!
Lan (hớn hở): Thật hả? Ông không nịnh tôi đó chứ?
Tuấn: Thật mà! Cái áo thì “tuyệt”, còn bà là “cú mèo” đó.
Lan: Trời!!!
(Sưu tầm)
*Kể câu chuyện trên cho bạn bè, người thân cùng nghe.
*Cùng bạn trao đổi về chi tiết gây cười trong chuyện.
Lời giải chi tiết
Câu 1: Dòng chỉ gồm các từ đồng nghĩa với từ “chăm chỉ” đó là:
b. cần mẫn, chịu khó, tỉ mỉ, cần cù.
Câu 2: Đặt một câu ghép có sử dụng quan hệ từ, một câu ghép dùng cặp từ hô ứng.
- Câu ghép có sử dụng quan hệ từ:
Trời mưa rất lớn nhưng ban giám đốc vẫn quyết định không cho huỷ buổi họp.
- Câu ghép có sử dụng cặp từ hô ứng:
Tiếng chó sủa càng lớn Lan lại càng cảm thấy sợ hãi hơn.
Câu 3: Dựa vào nội dung đoạn thơ để tả cánh đồng lúa chín
Em đi giữa biển lúa vàng
Nghe mênh mang trên đồng lúa hát
Hương lúa chín thoang thoảng bay
Làm lung lay hàng cột điện
Làm xao động cả hàng cây.
Bài làm
Mùa này cánh đồng lúa quê em đang vào độ chín rộ. Đứng từ trên cao nhìn xuống chỉ thấy mướt một màu vàng thích mắt của những hạt thóc chín mẩy. Hàng ngàn bông lúa vàng tươi, chắc nịch, cong oằn, ngả đầu vào nhau như muốn nói một điều: Ngày mùa đến rồi đấy! Từ trong biển lá đã ngả sang màu úa ngát dậy một mùi hương ngây ngất. Mùi hương của cỏ hoa, đồng nội, mùi hương lúa mới. Hương thơm ấy dường như làm lung lay hàng cột điện và làm xao động cả những hàng cây. Trên đầu ngọn lúa, sương treo lóng lánh như kim cương. Một vài giọt sương tung tăng nhảy nhót trên kẽ lá rồi tan dần theo hơi ấm mặt trời. Làn gió nhẹ thoảng qua, những hoa lúa nhẹ nhàng mấp máy. Sóng lúa nhấp nhô như gợn sóng vỗ bờ. Đi giữa cánh đồng lúa mà ngỡ như đang đi giữa biển vàng.
Vui học:
- Kể câu chuyện cho bạn bè, người thân cùng nghe.
Bài làm
Nè cậu có biết như thế nào gọi là khen khéo không? Để mình kể lại cho cậu nghe câu chuyện này làm ví dụ nhé:
Lan mới mua được chiếc áo mới và cô bạn cảm thấy vô cùng ưng ý nên vội vàng khoe với Tuấn:
- Nè, ông thấy tôi mặc cái áo mới này như thế nào?
Tuấn ngắm một lượt rồi không chần chừ thốt lên:
- Ồ, tuyệt cú mèo!
Hai mắt Lan tròn xoe ngạc nhiên, hớn hở hỏi lại bạn mình:
- Thật hả? Ông không nịnh tôi đó chứ?
Lúc này Tuấn mới gãi đầu, cười tinh quái trả lời:
- Thật mà! Cái áo thì “tuyệt”, còn bà thì “cú mèo” đó.
Thật là cậu bạn tinh nghịch, Lan đến ngã ngửa người kêu trời vì câu trả lời của Tuấn.
Câu chuyện vui học đường vừa thấy được tuổi học trò “nhất quỷ nhì ma” của chúng mình, vừa thấy được sự thú vị trong việc sử dụng tiếng việt của chúng mình đúng không cậu.
- Cùng bạn trao đổi về chi tiết gây cười trong truyện.
“Tuyệt cú mèo” là từ được đã xuất hiện trong những trang văn của một tác giả trẻ, sau này nó được lưu hành rộng rãi trong giới trẻ có nghĩa là “trên cả tuyệt vời”.
Trong truyện này, Tuấn cũng dùng “tuyệt cú mèo” để nhận xét về chiếc áo của Lan, nhưng cậu bạn lại tách ra thành “tuyệt”(tuyệt vời) và “cú mèo” (chỉ những thứ không được đẹp)
Chi tiết gây cười trong truyện chính là ở câu nói “tuyệt cú mèo” khiến Lan hiểu Lầm, tiếng cười bật lên ở lời giải thích của Tuấn: “Cái áo thì “tuyệt”, còn bà thì “cú mèo” đó.”