Đề bài
Câu 1. Nếu tác dụng của dấu gạch ngang trong mỗi trường hợp sau đây:
a) Trước sinh nhật bà một hôm, chúng tôi xúm lại van nài bà:
- Bà ơi, chúng cháu muốn tự tay tổ chức một bữa tiệc mừng sinh nhật bà. Bà hãy đi vắng đi, đến trưa hãy về bà nhé.
- Nhưng liệu các cháu có làm được không? Hay cứ để bà ở nhà giúp một tay.
- Không! Không! – Chúng tôi đồng thanh kêu lên: Chúng cháu tự làm được mà. Chị Hà đã học nấu ăn ở trường rồi đấy bà ạ.
Tác dụng của dấu gạch ngang là: ………
b) Người kể chuyện cỏ tích Nguyễn Đổng Chi – cũng là nhà sử học, nhà văn tác giả hàng kho chuyện cổ tích ……… đã viết lại truyện: Sự tích sông Cửu Long một cách giản dị, dễ hiểu.
(Phong Thu)
Tác dụng của dấu gạch ngang là: ………
Câu 2. Dấu ngoặc đơn trong cấu nào có thể thay bằng dấu gạch ngang? Hãy ghi lại câu thay thế đó.
a) Không có gì quý hơn độc lập, tự do. (Hồ Chí Minh)
b) Pax-can (khi ấy vẫn là sinh viên) đã có nhiều sáng kiến khoa học.
Câu 3. Viết đoạn văn (5-7 câu) tả một người bạn mà em yêu mến trong lớp.
Vui học:
Tài kinh doanh của bác nông dân
Có một anh chàng buôn bán đồ cổ, dọc đường anh ghé vào nhà của một bác nông dân.
Anh thấy cái đĩa cho mèo ăn là đồ gốm đời nhà Thanh. Cảm thấy rất thích, nhưng anh ta nghĩ, nếu gạ mua cái đĩa thì sợ người ta biết, nên bèn hỏi mua con mèo, rồi lấy cớ xin cái đĩa cho mèo ăn luôn. Ông chủ nhà đồng ý bán con mèo quý với giá 400 nghìn đồng. Khi anh ta xin cái đĩa cho mèo ăn, thì bác chủ nhà thủng thẳng đáp:
Nói thật với chú, tôi không thể cho chú cái đĩa này được, vì nhờ nó mà tôi đã bán được hơn chục con mèo rồi đó.
(Sưu tầm)
*Kế lại cho bạn, người thân cùng nghe câu chuyện.
*Câu chuyện trân gây cười ở chi tiết nào?
Lời giải chi tiết
Câu 1:
a.
- Dấu gạch ngang thứ nhất, thứ hai và thứ ba có tác dụng đánh dấu chỗ bắt đầu lời nói trực tiếp của bà và của các cháu trong đoạn hội thoại.
- Dấu gạch ngang thứ tư có tác dụng đánh dấu phần chú thích ở phía sau.
b. Dấu gạch ngang trong đoạn văn có tác dụng đánh dấu phần chú thích ở phía sau.
Câu 2:
Trường hợp ở câu b có thể thay dấu ngoặc đơn bằng dấu gạch ngang như sau:
b. Pax-can – khi ấy vẫn là sinh viên – đã có nhiều sáng kiến khoa học.
Câu 3: Viết đoạn văn 5 – 7 câu tả một người bạn mà em yêu mến trong lớp
Bài làm
Người mà em vô cùng yêu mến trong lớp là Minh Anh. Minh Anh là cô bạn thân ở gần nhà em, chúng em gặp nhau lần đầu tiên là ở lớp mẫu giáo. Cô bạn có vóc người nhỏ nhắn, xinh xắn. Mái tóc đen và nước da trắng hồng. Mỗi lần Minh Anh nói chuyện là hai bím tóc lại lí lắc theo từng chuyển động của bạn. Thật đáng yêu! Bạn ấy rất hoạt ngôn, hay nói hay cười khiến ai ở bên cạnh bạn ấy đều cảm thấy vô cùng vui vẻ. Em cảm thấy rất vui và may mắn khi quen biết một người bạn tốt như Minh Anh.
Vui học:
- Kể lại cho bạn, người thân cùng nghe câu chuyện.
Cậu có biết làm thế nào để thành công trong chuyện kinh doanh không? Hôm trước mình vừa đọc được một câu chuyện rất thú vị giữa một bác nông dân và một anh chàng buôn đồ cổ. Câu chuyện có tên là “Tài kinh doanh của bác nông dân”.
Có một chàng buôn bán đồ cổ, dọc đường anh ghé vào nhà của một bác nông dân. Tại đây tình cờ anh ta phát hiện ra cái đĩa cho mèo ăn là đồ gốm từ thời nhà Thanh. Máu buôn bán đồ cổ nổi lên, anh ta rất muốn có được chiếc đĩa đó. Nhưng trong lòng anh chàng cũng trộm nghĩ nếu mình gạ mua thì người ta sẽ biết mất. Nghĩ một hồi anh ta mới nghĩ ra một cách vẹn cả đôi đường: Anh ta sẽ mua con mèo rồi viện cớ xin cái đĩa cho mèo luôn. Đúng như dự đoán của anh ta, ông chủ đồng ý bán con mèo quý với giá 400 nghìn đồng. Nhưng chuyện chẳng ngờ được là khi anh ta định xin bác chủ nhà cái đĩa cho mèo ăn như kế hoạch ban đầu thì bác chủ nhà lại thủng thẳng đáp rằng:
- Nói thật với chú tôi không thể cho chú cái đĩa này được, vì nhờ nó mà tôi đã bán được hơn chục con mèo rồi đó.
Cậu thấy không? Thật là “Vỏ quýt dày có móng tay nhọn” đúng không? Anh chàng buôn đồ cổ bày mưu cuối cùng lại phải chịu thua trước “tài kinh doanh” của bác nông dân.
- Câu chuyện trên gây cười ở chi tiết cái đĩa cho mèo ăn là đồ cổ từ thời nhà Thanh. Anh chàng buôn đồ cổ tưởng mình thông minh có thể khiến bác nông dân mắc mưu của mình nào ngờ lại chẳng được như dự tính ban đầu. Tiếng cười được đẩy lên cao trào ở lời giải thích của bác nông dân ở cuối câu chuyện.