Lời giải chi tiết
Câu 1:Điệp khúc nào làm nổi bật cảm xúc chủ đạo của bài thơ? Bài thơ dường như là lời giã từ cho một mối tình không thành. Lời giã từ của Pu-skin có gì đặc biệt?
Trả lời:
- Điệp khúc “Tôi yêu em” (lặp lại 3 lần) làm nổi bật cảm xúc chủ đạo của bài thơ.
- Bài thơ là lời từ giã cho mối tình không thành của Puskin dành cho Ô-lê-nhi-na. Tuy nhiên, lời từ giã của Puskin đặc biệt ở chỗ nó vẫn bộc lộ một tình yêu chân thành, bền bỉ, mãnh liệt và gắn với cách hành xử cao đẹp trong tình yêu.
Câu 2:Giọng điệu trữ tình chuyển biến như thế nào từ hai câu 1- 2 sang hai câu 3 - 4 và từ hai câu 5 - 6 sang hai câu 7 - 8? Diễn biến tâm trạng phức tạp của nhân vật trữ tình được thể hiện tinh tế ra sao?
Trả lời:
Giọng điệu trữ tình trong bài thơ có những chuyển biến phong phú, trong đó bốn câu đầu thể hiện sự dồn nén, chế ngự của lí trí và bốn câu sau cảm xúc tuôn trào. Cụ thể, giọng điệu trong mỗi cặp câu như sau:
- Câu 1, 2: giọng chậm rãi, thâm trầm, dè dặt bày tỏ tình yêu chân thành, âm ỉ.
- Câu 3, 4: giọng điềm tĩnh, đúng mực, vị tha, vừa quyết tâm vừa dồn nén.
- Câu 5, 6: giọng điệu dồn dập, nung nấu, tự bạch những sắc thái đa dạng và mãnh liệt trong tình yêu đơn phương của nhân vật trữ tình.
- Câu 7, 8: giọng điệu dịu dàng, đằm thắm, chân thành chúc phúc người mình yêu.
Câu 3: Tại sao có thể nói hai câu kết là bất ngờ, hàm chứa nhiều ý vị?
Trả lời:
- Ai cũng muốn người mình yêu chỉ thuộc về mình, đó là sự ích kỉ dễ hiểu nhưng nhân vật trữ tình đã ứng xử rất cao thượng, quyết định từ bỏ để người mình yêu đến với người khác.
- Lời chúc phúc cảm động và bất ngờ: “Cầu em được người tình như tôi đã yêu em”. => Vị tha, cao cả
Câu 4: Bài thơ gợi cho anh (chị) những cảm nghĩ gì về tâm hồn Pu-skin và về tình yêu?
Trả lời:
- Puskin có một tâm hồn trong sáng, cao thượng, giàu tình yêu thương và rất đỗi chân thành, đằm thắm.
- Tình yêu là tình cảm đẹp đẽ của con người nhưng không phải ai cũng gặp được hạnh phúc trọn vẹn. Tình yêu đích thực chính là sự hi sinh và vị tha.