Bố cục: 2 phần
- Ba khổ thơ đầu: Bức tranh thiên nhiên và tâm trạng của nhà thơ.
- Hai khổ thơ cuối : Tình yêu quê hương, đất nước thầm kín, sâu sắc.
Nội dung chính:
Bài thơ khắc họa khung cảnh sông nước mênh mông. Qua đó nhà thơ đã bộc lộ lòng yêu nước thầm kín mà sâu sắc của mình.
Câu 1:Anh (chị) hiểu thế nào về câu thơ đề từ Bâng khuâng trời rộng nhớ sông dài? Đề từ đó có mối liên hệ gì với bức tranh thiên nhiên và tâm trạng của tác giả trong bài thơ?
Trả lời:
- Ý nghĩa của câu đề từ (Bâng khuâng trời rộng nhớ sông dài):
+ Mở ra không gian vũ trụ khoáng đạt với nhiều chiều kích (rộng, dài) của các đối tượng lớn lao (trời, sông).
+ Trời và sông bị ở hoàn cảnh xa cách thấm đẫm nỗi nhung nhớ, bâng khuâng.
- Câu đề từ thâu tóm tinh thần của toàn bài thơ:
+ Cảm hứng thiên nhiên sông nước
+Tâm trạng bâng khuâng, sầu nhớ của con người.
Câu 2 :Nêu cảm nghĩ về âm điệu chung của toàn bài thơ.
Trả lời:
Âm điệu chung của bài thơ: Âm điệu buồn lặng, triền miên, suy tư, trầm lắng. Âm điệu này được tạo nên bởi:
- Nhịp thơ: chủ yếu là nhịp 4/3 quen thuộc, đều đặn.
- Ngôn ngữ: dùng nhiều từ láy tạo sự lặp âm, nhiều từ Hán Việt gợi sắc suy tư, sâu lắng, cổ kính.
Câu 3:Vì sao nói bức tranh thiên nhiên trong bài thơ in đậm màu sắc cổ điển mà vẫn gần gũi, thân thuộc?
Trả lời:
Bức tranh thiên nhiên trong bài vừa cổ điển vừa gần gũi, thân thuộc:
- Màu sắc cổ điển:
+ Đề tài quen thuộc: thiên nhiên (cảm hứng về dòng sông).
+ Hình ảnh ước lệ, tượng trưng, quen thuộc: dòng sông, con thuyền cánh chim, mây, núi, khói hoàng hôn.
+ Phong vị Đường thi: nhịp thơ 4/3, thể thơ thất ngôn, bút pháp tả cảnh ngụ tình, sử dụng thi liệu cổ, nhiều từ Hán Việt cổ kính, tâm thế sầu muộn của con người bé nhỏ trước không gian bao la rợn ngợp...
- Màu sắc hiện đại, gần gũi, thân thuộc:
+ Hình ảnh bình dị, gần gũi: củi một cành khô, tiếng làng xa vãn chợ chiều, bèo dạt.
+ Thiên nhiên hiện lên qua cảm nhận và nỗi niềm của cái tôi hiện đại.
Câu 4Tình yêu thiên nhiên ở đây có thấm đượm lòng yêu nước thầm kín không? Vì sao?
Trả lời:
Tình yêu thiên nhiên trong bài thấm đượm lòng yêu nước thầm kín:
- Yêu thiên nhiên:
+ Bức tranh thiên nhiên tuy buồn vắng, rợn ngợp nhưng cũng rất đỗi thơ mộng, đẹp đẽ.
+ Ẩn chứa tấm lòng thiết tha của nhà thơ với dòng sông quê hương đất nước.
- Nỗi cô đơn, lạc lõng của cái tôi cá nhân giữa không gian vũ trụ bao la và tấm lòng “nhớ nhà” của nhân vật trữ tình trong bài thơ.
=> Kín đáo bày tỏ nỗi buồn thế hệ của Huy Cận và thanh niên đương thời khi đất nước còn trong vòng nô lệ của thực dân Pháp.
Câu 5 :Phân tích đặc sắc nghệ thuật của bài thơ (thể thơ thất ngôn, thủ pháp tương phản, các từ láy, các biện pháp tu từ,...)
Trả lời:
Đặc sắc nghệ thuật trong bài thơ:
- Thể thơ thất ngôn được sử dụng nhuần nhuyễn với cách ngắt nhịp, gieo vần, đăng đối hài hòa, tròn trịa.
- Thủ pháp tương phản: thuyền về nước lại, nắng xuống trời lên, sông dài trời rộng, cánh chim nhỏ bé – bóng chiều mênh mông → vừa gợi sự chia cách (những động từ ngược hướng đi kèm), vừa gợi không gian rợn ngợp đa chiều kích của vũ trụ, từ đó nhấn mạnh sự bé nhỏ, lạc lõng của con người.
- Hệ thống từ láy: tràng giang, điệp điệp, song song, đìu hiu, lớp lớp, dợn dợn… tạo âm điệu triền miên như những con sóng.
- Các biện pháp tu từ: tả cảnh ngụ tình, ước lệ tượng trưng, đối, cách kết hợp từ lạ “sâu chót vót”, “buồn điệp điệp”.
- Hình ảnh chọn lọc, gợi cảm; Ngôn ngữ cô đọng, vừa cổ kính vừa hiện đại.
=> Bài thơ vừa cổ điển vừa hiện đại.