Đề kiểm tra 45 phút (1 tiết) - Đề số 2 - Chương III - Phần 3 - Sinh học 10

I. Trắc nghiệm

Câu 1: Đối với virut kí sinh trên vi sinh vật, quá trình xâm nhập của chúng vào tế bào chủ diễn ra như thế nào?

A. Tùy trường hợp mà có thể bơm axit nuclêic hoặc vỏ capsit vào trong tế bào chủ.

B. Cả axit nuclêic và vỏ capsit đều được bơm vào tế bào chủ.

C. Vỏ capsit được bơm vào tế bào chất của tế bào chủ còn axit nuclêic nằm ở bên ngoài.

D. Axit nuclêic được bơm vào tế bào chất của tế bào chủ còn vỏ capsit nằm ở bên ngoài.

Câu 2: Chu trình tan là hiện tượng

A. virut nhân lên và làm tan tế bào.

B. virut xâm nhập và làm tan tế bào.

C. virut xâm nhập vào tế bào chủ và làm tan chính mình.

D. tế bào bị hòa tan ngay khi gai glicôprôtêin chạm vào thụ thể đặc hiệu trên bề mặt tế bào.

Câu 3: Em hãy sắp xếp các giai đoạn trong chu trình nhân lên của virut theo trình tự từ sớm đến muộn.

A. Hấp phụ - xâm nhập - sinh tổng hợp - lắp ráp - phóng thích.

B. Sinh tổng hợp - xâm nhập - hấp phụ - lắp ráp - phóng thích.

C. Xâm nhập - hấp phụ - sinh tổng hợp - lắp ráp - phóng thích.

D. Hấp phụ - xâm nhập - lắp ráp - sinh tổng hợp - phóng thích.

Câu 4: Loại tế bào nào là đối tượng tấn công chủ yếu của HIV khi xâm nhập vào cơ thể người ?

A. Tế bào lim phô B

B. Tế bào limphô T4

C. Tế bào bạch cầu ưa axit

D. Tế bào bạch cầu ưa bazơ

Câu 5: Trong các đối tượng sau đây, đối tượng nào có nguy cơ lây nhiễm HIV cao ?

1. Người nghiện ma túy     

2. Xe ôm

3. Gái mại dâm

4. Người làm nghề bốc vác

5. Bác sĩ  

6. Người thường xuyên hiến máu nhân đạo

A. 1, 3                   B. 1, 2, 3, 6

C. 1, 3, 6               D. 2, 4, 5

Câu 6: Ở người nhiễm HIV/AIDS, giai đoạn không triệu chứng kéo dài trong bao lâu ?

A. 3 - 5 năm           B. 2 - 3 tháng

C. 1 - 10 năm         D. 1 - 2 tháng

II.  Tự luận

Câu 1. Trình bày chu trình nhân lên của virut?

Câu 2. Thế nào là miễn dịch đặc hiệu, miễn dịch không đặc hiệu. cho ví dụ?

Lời giải

I. Trắc nghiệm

1

2

3

4

5

6

D

A

A

B

A

C

II. Tự luận

Câu 1.

 Hấp phụ

   Gai glicôprôtêin hoặc prôtêin bề mặt của virut sẽ bám vào thụ thể đặc hiệu trên bề mặt của tế bào chủ.

Xâm nhập

   - Đối với phagơ : enzim lizôzim sẽ phá hủy thành tế bào vi khuẩn để bơm axit nuclêic vào tế bào chất còn vỏ nằm ở bên ngoài.

   - Đối với virut kí sinh ở động vật : đưa cả nuclêôcapsit vào tế bào chất, sau đó "cởi vỏ" để giải phóng axit nuclêic.

Sinh tổng hợp

   Virut sử dụng nguyên liệu và enzim của tế bào chủ (hoặc enzim tự tiết ra) để tổng hợp axit nuclêic và prôtêin của riêng mình.

 Lắp ráp

   Axit nuclêic được "thuồn" vào vỏ capsit để tạo nên virut hoàn chỉnh.

Phóng thích

   Virut phá vỡ tế bào chủ để ồ ạt chui ra ngoài.

Câu 2.

Miễn dịch không đặc hiệu

   - Miễn dịch không đặc hiệu là miễn dịch tự nhiên, mang tính chất bẩm sinh. Đây là dạng miễn dịch không đòi hỏi phải có sự tiếp xúc trước với kháng nguyên và đặc biệt có ý nghĩa khi tác nhân gây bệnh xâm nhập vào cơ thể mà cơ chế miễn dịch đặc hiệu chưa kịp phát huy tác dụng.

   - Một số ví dụ về miễn dịch không đặc hiệu: da và niêm mạc, dịch axit của dạ dày, nước mắt, nước tiểu, đại thực bào, bạch cầu trung tính, hệ thống nhung mao trên đường hô hấp,...   

Miễn dịch đặc hiệu

   - Miễn dịch đặc hiệu là dạng miễn dịch xuất hiện khi có kháng nguyên xâm nhập.

   - Miễn dịch đặc hiệu được phân chia làm 2 loại là:

   + Miễn dịch thể dịch: là miễn dịch sản xuất kháng thể (do tế bào limphô B tiết ra).

   + Miễn dịch tế bào: là miễn dịch có sự tham gia của các tế bào T độc (tiết ra prôtêin độc làm tan tế bào nhiễm).