- Con người phải bảo vệ và cải tạo môi trường tự nhiên vì đó là môi trường sống của con người. Môi trường bị ô nhiễm đã và đang làm suy giảm các hệ sinh thái, môi trường sống của con người và sinh vật, làm giảm chất lượng cuộc sống của con người.
- Các biện pháp hạn chế ô nhiễm môi trường:
+ Hạn chế ô nhiễm không khí: trồng cây gây rừng, tạo nhiều công viên cây xanh trong các khu vực dân cư nhất là trong các thành phố và thị xã để cản bụi, điều hoà khí hậu; tăng cường sử dụng năng lượng sạch không gây ô nhiễm như năng lượng mặt trời, năng lượng gió, năng lượng sóng và thuỷ triều, sử dụng các thiết bị thu lọc bụi và khí độc trước khi thải ra không khí...
+ Hạn chế ô nhiễm do sử dụng thuốc bảo vệ thực vật: hạn chế sử dụng và sử dụng hợp lí các loại phân hoá học, thuốc trừ sâu; tăng cường trồng rau sạch, sử dụng biện pháp thiên địch để loại trừ sâu hại cây trồng; sử dụng giống cây trồng sạch bệnh...
+ Hạn chế ô nhiễm do chất thải rắn: thu gom và xử lí hợp lí các chất thải rắn, trong đó chú ý đến việc tái sử dụng chất thải rắn làm nguyên liệu sản xuất, việc chôn lấp không gây ô nhiễm...
+ Hạn chế ô nhiễm môi trường nước : xây dựng hệ thống xử lí nước thải từ các khu công nghiệp và các khu dân cư để xử lí nước thải trước khi hoà vào dòng nước chung trong các kênh, mương, sông, suối... Việc xử lí nước thải được thực hiện thông qua hệ thống xử lí cơ học, hoá học và sinh học. Bên cạnh đó, cần cải tiến công nghệ sản xuất để hạn chế tới mức thấp nhất chất thải độc hại ra môi trường...
Như vậy, để hạn chế ô nhiễm môi trường, con người đã sử dụng nhiều biện pháp khác nhau nhưng quan trọng hơn cả là việc giáo dục ý thức của con người trong việc bảo vệ môi trường: bảo vệ môi trường là trách nhiệm của tất cả mọi người ở mọi lúc và mọi nơi.