Nhắc đến dòng Văn học hiện thực Trung Quốc khó có thể quên được Lỗ Tấn - vị “danh y tinh thần” lỗi lạc của dân tộc Trung Hoa. Sỡ dĩ có thể gọi như vậy vì như chính Lỗ Tấn có lần tâm sự trong “Vì sao tôi viết tiểu thuyết”: “Mỗi khi chọn đề tài, tôi đều chọn những người bất hạnh trong xã hội bệnh tật, với mục đích lôi hết bệnh của họ ra, làm cho mọi người chú ý tìm cách chạy chữa". Tư tưởng ấy của nhà văn được thể hiện qua việc diễn tả nỗi đau xót của nhân vật tôi về sự thay đổi diện mạo tinh thần của Nhuận Thổ trong truyện ngắn “Cố hương”.
“Cố hương” kể lại chuyến về quê của nhân vật "tôi". Lần về quê này là chuyến cuối cùng "tôi" trở lại đây. Tôi đã gặp nhiều người quen cũ, ngắm nhìn nhiều cảnh vật trong làng. Tất cả gợi nên nỗi buồn về sự xơ xác tiêu điều của làng xóm, sự tha hóa, u mê của con người. Đau đớn nhất, buồn thảm nhất là khi gặp lại người bạn cũ Nhuận Thổ. Anh ta vốn là con của một người làm trong nhà “tôi”. Hai mươi năm trước, anh là một đứa bé mạnh khỏe, đẹp đẽ, dũng cảm, là người bạn lớn rất thân thiết của “tôi”. Giờ đây gộp lại, “tôi” đau đớn, xót xa trước một người bạn cũ gọi mình bằng tiếng “bẩm ông”. Anh ta cũng tàn tạ, suy sụp không chỉ về diện mạo mà còn cả về tinh thần lành mạnh trước kia...
Ấn tượng đầu tiên là về sự biến dạng của Nhuận Thổ. Tác giả tạo ra sự tương phản trong thời gian quá khứ và hiện tại để lột tả những thay đổi đáng buồn của người bạn cũ - người đã từng là bạn với Tấn từ thủa thiếu thời. Trong kí ức "tôi" sống dậy những hình ảnh tuyệt đẹp của quá khứ thần tiên hơn hai mươi năm trước, trong đó nổi bật hình ảnh một Nhuận Thổ khoẻ khoắn, lanh lợi "cổ đeo vòng bạc, tay lăm lăm cầm chiếc đinh ba", "nước da bánh mật" với biết bao chuyện lạ, bao điều kì thú. Khi ấy, hình ảnh Nhuận Thổ hiện lên chẳng khác nào người anh hùng nhỏ tuổi Na Tra trong truyền thuyết. Nhưng đối lập với ngày xưa là một Nhuận Thổ hiện tại già nua, thô kệch, nặng nề, da dẻ "vàng xạm, lại có thêm những nếp nhăn sâu hoắm". Sự phũ phàng ấy gợi đến nỗi xót xa không gì khỏa lâp.
Không chỉ sa sút về hình dáng, Nhuận Thổ còn có những suy sụp thê thảm về tinh thần. Bây giờ, anh sống trong một tình cảnh bi đát: "Con đông, mùa mất, thuế nặng, lính tráng, trộm cướp, quan lại, thân hào đày đoạ thân anh khiến anh trở thành đần độn, mụ mẫm đi!". Khi xưa, lúc hai người bạn phải chia tay: "Lòng tôi xôn xang, tôi khóc to lên", Nhuận Thổ "cũng khóc mà không chịu về". Bây giờ gặp lại bạn cũ Nhuận Thổ "Bầm ông!". Rõ ràng, với Nhuận Thổ, anh dang bị chi phối sâu sắc bởi quan niệm về đẳng cấp của xã hội phong kiến. Điều ấy khiến Tấn điếng người và cảm thấy đã có "một bức tường khá dày ngăn cách". Bức tường ngăn cách ấy khiến người khổ không thể giãi bày, người sướng hơn không thể chia sẻ. Cuộc sống buồn thảm, con người buồn thảm, tình bạn cũng buồn thảm!
Không chỉ vậy, khi ra về Nhuận Thổ còn xin “một bức tượng Phật gỗ”. Vật ấy là biểu tượng của tôn giáo (đạo Phật). Trong con người Nhuận Thổ vẫn còn giữ nguyên thói quen sùng bái tượng gỗ, điều đó đồng nghĩa với việc tư tưởng mê tín đã ăn sâu vào tâm thức con người tội nghiệp này. Và như thế, suốt cuộc đời anh sẽ bị nó bóp nghẹt về tư tưởng cho đến chết.
Nhuận Thổ tiêu biểu cho kiểu nhân vật "người bất hạnh trong xã hội bệnh tật" của Lỗ Tấn. Xây dựng nhân vật này, nhà văn "với mục đích lôi hết bệnh của họ ra, làm cho mọi người chú ý tìm cách chạy chữa” đã chỉ ra những “căn bệnh” cơ bản của người nông dân Trung Quốc đương thời: mê tín dị doan, bị tư tưởng phong kiến bóp nghẹt cuộc sống (tư tưởng đẳng cấp, cam chịu...).
Nhuận Thổ đồng thời còn là hiện thân của xã hội Trung Quốc đầu thế kỉ XX. Đó là một xã hội sa sút về mọi mặt. Bằng con dao mổ tinh xảo - những chi tiết, sự kiện, nhân vật ... trong truyện ngắn của mình - nhà văn đã phân tích nguyên nhân và lên án các thế lực đã tạo nên thực trạng đáng buồn ấy. Đồng thời chỉ ra các mặt tiêu cực nằm ngay trong tâm hồn, tính cách của bản thân người lao động.
Là một nhà văn hiện thực nhưng Lỗ Tấn đồng thời còn là một nhà cách mạng bởi vậy bên cạnh việc phanh phui bệnh trạng của dân tộc ông cũng không nguôi hi vọng, ước mơ vào một tương lai tươi sáng hơn. Qua nhân vật con Nhuận Thổ, bé Thủy Sinh, và cháu Hoàng nhà văn thể hiện ước mơ các thế hệ sau không bao giờ cách bức, không vất vả, không muốn chúng vất vả, đần độn như Nhuận Thổ. Rõ ràng, nhân dân Trung Quốc cần một cuộc đời mới, cần một con đường mới tốt đẹp hơn cho tương lai.