Nón quai thao, nón lá Việt Nam, chiếc nón quen thuộc thay thế cho những chiếc mũ, ô che nắng che mưa duyên dáng và tiện lợi trở thành vật duyên đáng yêu luôn gắn bó với con người Việt Nam.
Nón được làm bằng nhiều chất liệu khác nhau nhưng chủ yếu vẫn là lá cọ. Chiếu khoang hình chóp được dựng lên bởi bàn tay khéo léo chuốt từng thanh tre nhỏ, tròn rồi uốn thành vòng của người phụ nữ thủ công miệt mài chăm chỉ. Những chiếc lá cọ phơi khô trắng bóc, là phẳng phiu được xếp thành từng chồng khít bên nhau bao bọc trong lớp cước dai mềm mà cô nàng cần mẫn khâu lên nó từng mũi kim thanh mỏng đều tăm tắp. Người khâu nón như muốn gửi gắm trong đó bao ước mơ, ý nguyện tình cảm của mình với một người bạn mình mến thương: nón.
Du khách nước ngoài đến thăm nước ta trầm trồ khen ngợi những cô gái Việt Nam duyên dáng trong bộ áo dài cùng chiếc nón lá trên đầu che giấu nụ cười đằm thắm với bước đi uyển chuyển thướt tha. Nón đã trở thành biểu trưng của dân tộc. Chẳng thế mà hình ảnh cô thôn nữ nở nụ cười tươi sau vành nón trắng ôm bó lúa trên tay trở thành bức tranh cổ động ngày mùa thắng lợi được vẽ khắp các xóm thôn, và cô gái có nụ cười tươi dưới vành nón lá là biểu tượng của ngành du lịch Việt Nam để quảng bá với bạn bè thế giới.
Nón có nhiều loại tuỳ theo mức độ rộng hẹp. Xưa trong triều đình, lính tráng quân cơ đội Nón dấu, chiếc nón nhỏ vành chỉ vừa che hết đầu:
Ngang lưng thì thắt bao vàng
Đầu đội nón dấu vai mang súng dài
Hình ảnh đó đã được vẽ trên quân tam cúc một cỗ bài chơi của trẻ thơ như một sự lưu giữ nét cổ xưa của dân tộc.
Ai đến với vùng quê Kinh Bắc, nghe những cô gái nơi đây hát những làn điệu dân ca quan họ hẳn không thể quên hình ảnh của chiếc nón quai thao - một loại nón cổ làm bằng lá cọ già to gấp hai nón thường và cấu tạo cũng thác. Nón cấu tạo hình tròn phẳng, bên trong có vòng tròn nhỏ để đội lên đầu. Cái liếc dài sắc nhọn tình tứ cùng nụ cười duyên ẩn giấu sau vành nón quai thao làm nao lòng bao du khách trong và ngoài nước. Nón quai thao trở thành điểm nhớ cho quê hương quan họ thanh lịch tự bao đời.
Không chỉ làm vật dụng che nắng che nưa, chiếc nón lá Việt Nam tự nhiên như thế đã đi vào huyền thoại như một nét đẹp văn hoá, mang tâm hồn quê hương dân tộc, gợi cảm hứng cho thi ca.
Chiếc nón lá, chiếc nón bài thơ mảnh mai thanh thoát nhẹ nhàng như giọng nói ngọt ngào của cô gái Huế thân thương đã trở thành dụng cụ biểu diễn nghệ thuật độc đáo, mang phong cách dân tộc đậm đà.
Xưa, nón được sản xuất ở nhiều nơi như Hà Tây, Bắc Ninh, Quảng Bình, Nam Định... Nay, cuộc sống hiện đại, những Công ty sản xuất ra bao mẫu mã mũ, ô... với nhiều kiểu dáng trang hoàng lộng lẫy đáp ứng thị hiếu của con người nhưng chiếc nón lá vẫn xuất hiện khắc các đường phố và ở trên cánh đồng quê hương Việt Nam như khẳng định sự trường tồn của nó cùng thời gian cả về giá trị sử dụng và nét văn hoá thuần phong của dân tộc.