Phân tích vẻ đẹp của thiên nhiên thơ mộng trong đoạn trích “Dưới trăng..."
NHỮNG Ý CHÍNH
Thiên nhiên hòa hợp:
Thiên nhiên ở đây trở thành bạn của con người. Đây là một quan niệm khác với quan niệm trước đây của thời Trung cổ, thiên nhiên bị coi là nơi ẩn náu của tội lỗi, của cái ác.
Thiên nhiên ở đây tạo ra bối cảnh thơ mộng cho cuộc tình của đôi trai tài gái sắc. Ở đó cái tài, cái sắc cùng nổi bật lên một cách trọn vẹn. Thiên nhiên ở đây tự nó cũng có vẻ đẹp riêng (Vầng trăng giát bạc treo trên những ngọn cây...), Vẻ đẹp của thiên nhiên làm tôn thêm vẻ đẹp của con người, trở thành đối tượng để so sánh với vẻ đẹp của con người. Thiên nhiên cùng toát lên vẻ đẹp trong tráng hoàn mĩ của nó.
Thiên nhiên thanh bình:
Thiên nhiên tạo ra bức bình phong che chở cho cặp tình nhân, tạo cho họ cảm giác yên bình. Thiên nhiên hiện ra ở đây không dữ dội, khômg đe dọa. Đêm tối trở thành môi trường của tình yêu. Đêm tối ngăn không cho những cặp mắt rình mò, soi mói, bắt cái hận thù phải chìm trong giấc ngủ nặng nề, bắt mọi vật phải im tiếng để cho tình yêu lên tiếng, cho tình yêu có cơ hội giãi bày.
Đây là kiểu thiên nhiên hòa cảm thường gặp trong văn thơ theo hình thức "tức cảnh sinh tình” mà một trường hợp rất tiêu biểu là “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”. Sự hòa cảm này có tác dụng nhân lên sức mạnh của tình yêu, thúc đẩy sự phát triển của tình yêu.
Sự hòa quyện giữa tình và cảnh
Đây là một vẻ đẹp riêng của mối tình Rô-mê-ô và Giu-li-ét thể hiện qua trong tình có cảnh, trong cảnh có tình. Tình và cảnh hòa quyện với nhau không tách rời nhau và càng không thể chia lìa tách giữa tình và cảnh. Tình ấy phải ở trong cảnh ấy và cảnh ấy chỉ nảy sinh tình. Đây là sự hòa hợp giữa con người và đất trời, một sự gắn kết rất đặc trưng và gần gũi với quan niệm Thiên - Địa - Nhân của phương Đông.