Soạn bài Mưa

1. Bài thơ Mưa của Trần Đăng Khoa tả cơn mưa ở vùng nào và vào mùa nào?

Cơn mưa được tả qua hai giai đoạn: lúc sắp mưa và lúc đang mưa. Dựa vào thứ tự miêu tả, em hãy tìm bố cục của bài thơ.

Lời giải

Trả lời:

-   Bài thơ tả cơn mưa ở vùng nông thôn Bắc Bộ vào mùa hè.

-   Bố cục: 2 phần:

+ Từ đầu đến “ Đầu tròn- trọc lốc": quang cảnh lúc sắp mưa. .

+ Phần còn lại: cảnh trong cơn mưa.

2. Nhận xét về thể thơ, cách ngắt nhịp, gieo vần trong bài thơ và nêu tác dụng đối với việc thể hiện nội dung (tả trận mưa rào ở làng quê).

Trả lời:

Trong bài thơ, tác giả đã sử dụng thể thơ tự do với những câu thơ ngắn chỉ từ một đến bốn chữ, nhịp điệu nhanh, dồn dập cùng với cách gieo vần linh hoạt (vần chân - vần cách: ra - già, thấp - nấp; vần liền: con - trộn, nghe - tre...) đã góp phần quan trọng nhịp nhanh và mạnh theo từng đợt dồn dập và mạnh của cơn mưa rào mùa hè.

3. Bài thơ miêu tả rất sinh động trạng thái và hoạt động của nhiều cây cối, loài vật trước và sau cơn mưaEm hãy tìm hiểu:

a) Hình dáng, trạng thái, hoạt động của mỗi loài lúc sắp mưa và trong cơn mưa. Tìm những động từ và tính từ miêu tả và nhận xét về việc sử dụng các từ ấy.

b) Nêu các trường hợp sử dụng phép nhân hoá để miêu tả thiên nhiên trong bài thơ. Hãy phân tích tác dụng của biện pháp ấy trong một số trường hợp đặc sắc.

Trả lời:

a) Tác giả đã sử dụng hàng loạt các động từ, tính từ miêu tả các sự vật rất độc đáo, thể hiện sự quan sát tinh tế:

-   Mối trẻ bay cao; Mối già bay thấp

-   Ông trời và kiến như chuẩn bị tham gia trận đánh nên mặc áo giáp đen, hành quân đầy đường.

-   Mỗi sự vật đều đón chờ cơn mưa với niềm vui riêng thể hiện những tình cảm riêng, tính cách riêng:

+ Cỏ gà rung tai nghe

+ Bụi tre tần ngần gỡ tóc

+ Hàng bưởi đu đưa bế lũ con

+ Chớp khô khốc

+ Sấm khanh khách cười

+ Cây dừa sải tay bơi

+ Ngọn mồng tơi nhảy múa.

Việc sử dụng các động từ, tính từ như trên đã làm cho thế giới cây cối, loài vật trở nên phong phú, sinh động về tâm hồn như con người,

b) Phép nhân hoá được sử dụng rộng rãi và rất chính xác, ví dụ:

“Ông trời mặc áo giáp đen - Ra trận - Muôn nghìn cây mía - Múa gươm - Kiến - Hành quân - Đầy dường...” - những hình ảnh nhân hoá đã tạo nên cảnh tượng một cuộc ra trận với khí thế mạnh mẽ, khẩn trương. “Ông trời - Mặc áo giáp đen” là cảnh những đám mây đen che phủ cả bầu trời như một lớp áo giáp của một dũng tướng ra trận. Còn “ Muôn nghìn cây mía ” lá nhọn, sắc quay cuồng trong gió được hình dung như những lưỡi gươm khua lên trong tay các chiến sĩ của một đội quân đông đảo; kiến đi từng đàn vội vã có hàng lối như một hàng quân đang hành quân khẩn trương.

- Cỏ gà rung tai - Nghe - Bụi tre - Tần ngấn - Gỡ tóc: từ hình dáng của cây cỏ gà và động tác rung rinh của nó trong cơn gió mà tác giả hình dung ra như cái tai cỏ gà rung lên để nghe; còn những cành tre và lá tre bị gió thổi mạnh thì được hình dung như mớ tóc của bụi tre đang gỡ rối.

4. Gần hết bài thơ chỉ miêu tả thiên nhiên, đến cuối bài mới hình ảnh con người:

Bố em đi cày về

Đội sấm

Đội chớp

Đội cả trời mưa ...

Em hãy nhận xét về ý nghĩa biểu tượng cho tư thế, sức mạnh và vẻ đẹp của con người trước thiên nhiên trong hình ảnh trên.

Trả lời:

Ở cuối bài thơ con người mới xuất hiện trên cái nền thiên nhiên dữ dội, hùng vĩ tạo nên ý nghĩa biểu tượng: Ca ngợi vẻ đẹp lao động cần cù của con người nông dân bình dị chống chọi, vượt qua và chiến thắng những trở ngại của thiên nhiên. Hình ảnh này được xây dựng theo lối ẩn dụ khoa trương. Người cha đi cày vể dưới trời mưa đã được tác giả nhìn như là: Đội sấm - Đội chớp - Đội cả trời mưa... Nhờ thế, các câu thơ này đã dựng lên được hình ảnh con người có tầm vóc lớn lao và tư thế hiên ngang, sức mạnh to lớn có thể sánh với thiên nhiên vũ trụ.

LUYỆN TẬP

Quan sát và miêu tả cảnh mưa rào ở thành phố hay vùng núi, vùng biển hoặc mưa xuân ở làng quê.

Trả lời:

Mưa cuối mùa

Nửa đêm, bé chợt thức giấc vì tiếng động ầm ầm. Mưa xối xả. Cây cối trong vườn ngả nghiêng, nghiêng ngả trong ánh chớp nhoáng nhoàng sáng loà và tiếng sấm ì ầm lúc gần lúc xa. Giá như mọi khi thì bé đã chạy lại bên cửa sổ nhìn mưa rồi đấy. Bé rất thích trời mưa. Mưa làm cho khu vườn nhà bé tươi tốt và đẹp hơn lên gấp nhiều lần những lúc bình thường. Nhìn xuống dòng nước mưa tuôn từ trên trời cao xuống lấp lánh như bạc, lòng bé không khỏi xao động. Thú vị nhất là những lúc được tắm mình trong mưa. Bé lăn lê bò toài trong đám cỏ ngập nước, để mặc cho mưa xối tới tấp khắp thân mình trong tiếng cười giòn tan của bé.

Mưa mỗi lúc một to. Gió thổi tung những tấm rèm và lay giật các cánh cửa sổ làm chúng mở ra đóng vào rầm rầm.

Hơi nước mát lạnh phả vào ngập gian phòng. Mưa gió như cố ý mời gọi bé chạy ra chơi với chúng. Muốn ra lắm nhưng lại ngại. Mấy lần định nhổm dậy, sau lại thôi. Bé kéo chăn trùm kín cổ mơ mơ màng màng rồi ngủ thiếp đi lúc nào không biết. Sáng hôm sau trở dậy, bé vui sướng nhặt lên chiếc lá bồ đề vàng rực rơi ngay cạnh chân giường bé nằm. Bé chạy đến bên cửa sổ, ngước nhìn lên đỉnh ngọn cây bồ đề. Đúng là chiếc lá vàng duy nhất ấy rồi. Mấy hôm nay, bé đã nhìn thấy nó, muốn ngắt xuống quá mà không có cách gì ngắt được. Giữa trăm ngàn chiếc lá xanh bình thường, tự nhiên có một chiếc lá vàng rực đến nao lòng.

Sau trận mưa to đêm hôm ấy, suốt mấy tuần lễ tiếp sau, trời trong veo không một gợn mây. Mong mỏi mắt cơn mưa cũng không quay trở lại. Lúc bấy giờ bé mới chợt nhận ra mùa mưa đã chấm dứt. Thì ra, cơn mưa đêm ấy chính là cơn mưa cuối cùng để bắt đầu chuyển sang mùa khô.

Bé ân hận quá. Bé rất yêu trời mưa và trận mưa đêm hôm ấy đã đến chào từ biệt bé. Mưa đã mời gọi bé suốt mấy tiếng đồng hồ mà bé chẳng chịu ra gặp mưa. Chiếc lá bồ để vàng óng từ tít trên cao, mưa đã ngắt gửi xuống tặng cho bé, bé chẳng nhận ra sao?

Trần Hoài Dương - Những ngôi sao trong mưa.