1. Tiểu sử - Con người
- Tố Hữu (1920 - 2002)
- Thời thơ ấu: sinh ra và lớn lên trong gia đình Nho học ở Huế, vùng đất cố đô thơ mộng còn lưu giữ nhiều nét văn hóa dân gian.
- Thời thanh niên: sớm giác ngộ cách mạng, hăng say hoạt động và đấu tranh cách mạng, trải qua nhiều lần tù ngục.
- Sau đó, Tố Hữu liên tục giữ nhiều chức vụ quan trọng trong bộ máy lãnh đạo của đất nước, đặc trách mặt trận văn hóa văn nghệ.
2. Đường cách mạng, đường thơ
Những chặng đường thơ Tố Hữu gắn bó chặt chẽ với những chặng đường cách mạng của bản thân nhà thơ, với những giai đoạn phát triển của cách mạng Việt Nam: điều này được thể hiện rõ rệt qua 7 tập thơ trong cuộc đời sáng tác của Tố Hữu.
+ Tập thơ Từ ấy (1937 - 1946): đánh dấu chặng đường đầu 10 năm thơ Tố Hữu, cũng là 10 năm hoạt động cách mạng từ giác ngộ, thử thách đến trưởng thành của người thanh niên cách mạng, gắn với 10 năm nhiều biến cố của lịch sử dân tộc.
+ Tập thơ Việt Bắc (1946 – 1954): đánh dấu chặng đường hoạt động sôi nổi của Tố Hữu và phản ánh cuộc đấu tranh gian lao, hùng tráng của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của toàn quân, toàn dân ta. Tập thơ kết tinh những tình cảm lớn mà bao trùm là tình yêu nước, khắc họa hình tượng quần chúng kháng chiến với một nghệ thuật giàu tính dân tộc và cảm hứng sử thi – trữ tình.
+ Tập thơ Gió lộng (1955 - 1961): bộc lộ niềm tự hào của con người làm chủ đất nước, thể hiện niềm tin vào tương lai với khuynh hướng sử thi, cảm hứng lãng mạn đậm nét. Tập thơ tiếp tục bám sát cuộc đời nhà thơ và chặng đường lịch sử của dân tộc với việc ca ngợi cuộc sống mới trên miền Bắc XHCN, bày tỏ nỗi nhớ thương quê hương miền Nam, căm giận bè lũ bán nước và cướp nước, ngợi ca những con người kiên trung, hướng về ngày thống nhất.
+ Tập thơ Ra trận (1962 - 1971): là khúc anh hùng ca về miền Nam trong kháng chiến, là khúc ca ra trận, là mệnh lệnh tấn công với khí thế quyết liệt của cuộc kháng chiến chống Mĩ.
+ Tập thơ Máu và hoa (1972 - 1977): ghi lại chặng đường cách mạng gian khổ và hi sinh, khẳng định niềm tin vào sức mạnh của nhân dân, niềm vui niềm tự hào khi đất nước hoàn toàn giải phóng. Thơ Tố Hữu thời chống Mĩ đậm tính chính luận và cảm hứng sử thi.
+ Tập thơ Một tiếng đờn (1992) và Ta với ta (1999): bày tỏ những chiêm nghiệm, suy tư về cuộc sống, hướng tới những quy luật phổ quát và những giá trị bền vững.
3. Phong cách thơ Tố Hữu
- Về nội dung: Thơ Tố Hữu mang tính chất trữ tình chính trị rất sâu sắc.
+ Hồn thơ luôn hướng đến cái ta chung với lẽ sống lớn, tình cảm lớn, niềm vui lớn của con người cách mạng, của cả dân tộc.
+ Thơ Tố Hữu mang đậm tính sử thi, coi những sự kiện chính trị lớn của đất nước là đối tượng thể hiện và cũng là nguồn cảm hứng cho thơ.
+ Những tư tưởng lớn của thời đại, những tình cảm lớn của con người, những sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc được phản ánh qua giọng thơ tâm tình, ngọt ngào, thương mến.
- Về nghệ thuật: Thơ Tố Hữu mang tính dân tộc rất đậm đà.
+ Sử dụng thể thơ dân tộc: thơ lục bát, thơ thất ngôn.
+ Ngôn ngữ thơ gần gũi, sử dụng nhiều từ ngữ và cách nói dân gian, gần với lời ăn tiếng nói hàng ngày của nhân dân.
+ Thơ phát huy được tính nhạc của tiếng Việt ta.