Ông Luỹ người làng Đ.Tr. rất thật thà, chăm chỉ. Mười lăm năm trước đây, ông còn làm nghề cày thuê, vợ ông đi ở vú sữa. Nhờ tiết kiệm mà ngày nay vợ chồng ông đã có gần mẫu ruộng và nửa con trâu, lên đến bậc có máu mặt, lưng vốn. Trong mấy năm nay, vợ ông không còn sữa, ông cũng không được khỏe mạnh nên cả hai vợ chồng đều tự hưu trí để cùng trông nom ruộng nương nhà cửa. Nhờ trời, hồi ấy được mùa luôn, trong chuồng lúc nào cũng có lợn lớn, thóc lúa đủ ăn từ vụ nọ đến vụ kia.
Tuy đã ngoài năm chục tuổi, nhưng chỗ ngồi trong đình làng ông vẫn phải ngồi vào lớp cuối cùng với bọn bố cu bố đĩ hạng bạch đinh. Mấy lần, ông định mưu lấy chút danh phận chạy chức lí trưởng, phó lí nhưng vì không biết chữ nên không được như nguyện.
Năm nay, mái đình làng bị dột mấy chỗ nhưng quỹ làng không còn để mua ngói. Các ông kì địch trong làng bèn mời ông Luỹ ra đình để bán cho ông cái chức lí cựu với giá một trăm đồng bạc để chi tiêu vào việc tu bổ. Lúc đầu ông cũng phân vân vì cái của "không tân mù cựu" sẽ không được ai qúy trọng, nhưng về sau nghe bọn lí dịch nói rất bùi tai, nào là chỉ tốn trăm bạc mà được ngồi ngang với lí trưởng phó lí, nào là được ăn biếu ăn xén như ai, nên cuối cùng ông cũng cho là có lí. Vợ ông cũng muốn làm bà Cựu, nên khuyên ông cố lo.
Ông Luỹ bán ruộng, bán trâu được hơn trăm bạc nộp cho làng. Công việc mười phần đã xong chín phần, chỉ còn khao làng một bữa thì sẽ thành danh ông Cựu. Ý ông định hoãn đến tháng mười có lúa gạo, nhà đỡ phải vay mượn mất lãi, nhưng bọn lí dịch không nghe vì để lâu không tiện, dân làng đã vậy, còn quỷ thần.
Cái áo còn lo được, huống chi cái dải! Ông Lũy cố mua bát họ hơn sáu chục để lo chuyện ăn khao.
Ông chỉ có bốn gian một chái nhà tranh nên phải dựng rạp, số người kéo đến giúp đáp rất đông. Buổi chiều dựng rạp, ông phải mổ con lợn bảy yến làm năm chục mâm cỗ, chỉ ăn một lượt là hết. Sáng hôm sau lại phải giết tiếp ba con Mit nữa: hai con để làm cỗ đãi họ hàng, một con để đem lễ thờ rồi biếu dân làng. Ông còn phải mổ vài ba con lợn nữa để mời các lão và tư văn vào buổi chiều...
Từ cổng tới nhà, bát đĩa mâm nồi bày la liệt khắp nơi. Trong rạp đông nghịt những người. Ngoài số tay dao tay thớt còn có ba bàn tổ tôm và bốn bàn thuốc phiện.
Sau bọn tư văn kéo đến là các bô lão... Cuộc linh đình kéo dài mãi đến sáng hôm sau.
Năm ngày sau cuộc ăn khao, vợ ông Luỹ với dáng điệu không vui cắp nón đi ra cổng làng để sang Hà Nội làm vú già. Bà Cựu cho tác giả biết: gần mẫu ruộng và nửa con trâu đã bán hết cả, lại còn nợ thêm hơn bảy chục đồng nữa.