* Nhân tố tự nhiên:
Sự phân bố nông nghiệp trên thế giới phụ thuộc vào sự phân đới tự nhiên.
- Năng suất cây trồng, việc sản xuất các loại sản phẩm nông nghiệp khác nhau phụ thuộc vào chất lượng đất, những vùng đất phì nhiêu, màu mỡ thường là những vùng nông nghiệp trù phú.
Ví dụ: Các vùng đất châu thổ sông Hồng, sông Mê Công là những vựa lúa gạo lớn.
- Khí hậu và nguồn nước với các yếu tố nhiệt độ, lượng mưa, ánh sáng, độ ẩm, gió, bão, lũ lụt, nguồn nước trên mặt và nước ngầm...có ảnh hưởng rất lớn đến việc hình thành cơ cấu cây trồng, vật nuôi, khả năng xen canh, tăng vụ và tính chất ổn định hay bấp bênh của sản xuất nông nghiệp.
Ví dụ:
+ Khí hậu nhiệt đới ẩm ở vùng nội chí tuyến, thuận lợi phát triển các loài có nguồn gốc nhiệt đới: hoa quả nhiệt đới (chuối, xoài, măng cụt, sầu riêng, nhãn, dưa hấu....), cây lúa gạo, dừa, đay, mía, cà phê, cao su..
+Lãnh thổ Hoa Kì thuộc vùng ôn đới, tiêu biểu với các sản phẩm nông nghiệp nguồn gốc ôn đới như: các vựa lúa mì, yến mạch, đại mạch, vành đai ngô...
+ Vùng Bắc Á (Liên Bang Nga) có khí hậu lạnh giá, nước sông đóng băng) nên nông nghiệp không phát triển.
- Nguồn thức ăn tự nhiên, đồng cỏ là cơ sở thức ăn tự nhiên cho gia súc và ảnh hưởng đến việc xác định cơ cấu vật nuôi cũng như sự phát triển chăn nuôi.
Ví dụ: Các đồng cỏ thuộc khu vực Trung Á, Tây Nam Á, Ô-xtrây-li-a nơi phân bố của rất nhiều đàn cừu; vùng hoang mạc có các đàn ngựa.
* Nhân tố kinh tế - xã hội:
- Dân cư và lao động:
+ Các cây trồng vật nuôi cần nhiều công chăm sóc (như lúa nước) phải phân bố ở những nơi có nhiều lao động.
+ Tập quán ăn uống của các dân tộc cũng có ảnh hưởng không nhỏ.
VD. Các quốc gia Hồi giáo không ăn thịt lợn nên chăn nuôi lợn ở các nước Nam Á và Trung Đông không phát triển, thậm chí không có.
+ Quan hệ sở hữu ruộng đất: chính sách giao đất, giao rừng cho các hộ nông dân đã thúc đẩy nền nông nghiệp phát triển mạnh mẽ.
+ Tiến hộ khoa học - kĩ thuật trong nông nghiệp: đã tác động đến việc nâng cao năng suất, chất lượng và sản lượng, góp phần chủ động trong sản xuất. Đã tạo ra được các giống mới có năng suất cao, thời gian sinh trưởng ngắn, thích hợp với điều kiện tự nhiên của từng vùng.
Ví dụ: Nông nghiệp Nhật Bản: mặc dù điều kiện tự nhiên khó khăn nhưng với trình độ khoa học kĩ thuật cao, sản xuất nông nghiệp Nhật Bản vẫn phát triển với năng suất, chất lượng cao.
+ Thị trường tiêu thụ tác động tới giá cả nông sản, đến việc điều tiết sản xuất và ảnh hưởng chuyên môn hóa.
Ví dụ: Tác động của giá cả thị trường thế giới đến sản xuất cà phê, cao su ở nước ta trong những năm gần đây.