Phân tích bức tranh quê và tấm lòng yêu đời của Hàn Mạc Tử trong Đây thôn Vĩ Dạ_bài 1

Nguyên nhân ra đời:Đây thôn Vĩ Dạ, ban đầu có tên là Ở đây thôn Vĩ Dạ(1)Theo một số tài liệu, bài thơ được gợi cảm hứng từ mối tình của Hàn Mặc Tử với một cô gái vốn quê ở thôn Vĩ Dạ. GS

Lời giải

Nguyên nhân ra đời:

   Đây thôn Vĩ Dạ, ban đầu có tên là Ở đây thôn Vĩ Dạ(1)

   Theo một số tài liệu, bài thơ được gợi cảm hứng từ mối tình của Hàn Mặc Tử với một cô gái vốn quê ở thôn Vĩ Dạ.

   GS. Nguyễn Đăng Mạnh cho biết:

   “Hồi làm nhân viên ở sở đạc điền Quy Nhơn, Hàn Mặc Tử có thầm yêu trộm nhớ đơn phương một cô gái người Huế tên là Hoàng Thị Kim Cúc, con ông chủ sở. Một thời gian sau, nhà thơ vào Sài Gòn làm báo, khi trở lại Quy Nhơn thì cô gái đã theo gia đình về Vĩ Dạ (Huế). Một buổi kia, cô Cúc do sự gợi ý của một người em thúc bá, bạn của Hàn Mặc Tử, gửi vào cho nhà thơ một tấm bưu ảnh chụp một phong cảnh sông nước có thuyền và bến, kèm theo mấy lời thăm hỏi để an ủi nhà thơ lúc này đã mắc hiểm nghèo (bệnh phong)“.

   Lời thăm hỏi không kí tên (theo thư của Kim Cúc gửi nhà thơ Quách Tấn đề ngày 15 tháng 4 năm 1971), nhưng bức ảnh và những dòng chữ kia đã kích thích trí trí tưởng tượng, cảm hứng, và đã gợi dậy những gì thầm kín xa xưa của Hàn Mặc Tử…“(theo Văn học 11“, Nxb Giáo dục, 2000, tr. 145.)

   Theo Nguyễn Bá Tín, em ruột nhà thơ Hàn Mặc Tử, thì:

   Năm 1939, Hoàng Cúc nhận được hung tin nói trên từ Hoàng Tùng Ngâm. Nàng chuẩn bị một số tiền định gửi cho Hàn Mặc Tử uống thuốc nhưng không dám gửi. Nàng bèn gửi cho Hàn Mặc Tử một bức ảnh chụp cảnh nàng mặc áo lụa dài trắng đứng dưới vòm cây xanh mát. Nhận được ảnh, Hàn Mặc Tử rất vui. Chàng liền làm ngay bài thơ “Đây thôn Vỹ Dạ“ gửi ra Huế cho Hoàng Cúc…”

   Qua đó, ta thấy bài thơ là những dòng kí ức, là nỗi nhơ khôn nguôi, những kỉ niệm đẹp về bức tranh xứ sở, mà nguồn cảm hứng là từ mối tình với 1 người con gái Huế.

   Bên cạnh đó, năm 1939, lúc này Hàn Mặc Tử mắc bệnh hiểm nghèo, ông được đưa về điều trị ở Quy Nhơn, từ lúc đó, ông đã coi thân phận mình như 1 người cung nữ bị đẩy vào lãnh cung. Nên tất cả thế giới bên ngoài là nỗi khát khao giao cảm của ông, là ranh giới giữa thiên đàng và điạ ngục – bên ngoài và bên trong, nên màu sắc của bức tranh thiên nhiên, con người ấy cũng tràn ngập tình cảm, đẹp mơ hồ, hiện lên như ảo ảnh trong kí ức.

   Bài thơ này, phân tích bình thường, nhưng mình phải cho người ta thấy rõ được vẻ đẹp của bức tranh thiên nhiên là gì, là tiếng lòng của một người tha thiết yêu đời, yêu người thể hiện như thế nào trong bài thơ? Nguyên do của nó em hãy tham khảo phần trên và dựa vào dàn ý của cô để làm sáng tỏ. Chú ý:

   Thông qua các biện pháp nghệ thuật làm nổi bật được nét đẹp trong sáng của toàn bài thơ.

Đây là 1 dàn bài tham khảo:

1. Sao anh không về chơi thôn Vĩ?

   Vĩ Giạ một làng cổ đẹp nổi tiếng bên bờ Hương giang, ngoại ô cố đô Huế. Phong cảnh êm đềm thơ mộng. Với Hàn Mặc Tử chắc là có nhiều kỉ niệm đẹp?. Câu mở bài như một lời chào mời, như một tiếng nhẹ nhàng trách móc: “Sao anh không về chơi thôn Vĩ?”. Cảnh Vĩ Giạ được nói đến là hàng cau với nắng mới lên, một bình minh rạng ngời. Là màu xanh của cây trái của “vườn ai”, ngỡ ngàng bâng khuâng, rồi thốt lên “mướt quá xanh như ngọc”. Sắc xanh mượt mà, láng bóng ngời lên. Một so sánh rất đắt gợi tả sức xuân, sắc xuân của “vườn ai”? Câu thứ 4 có bóng người xuất hiện thấp thoáng sau hàng trúc: “gương mặt chữ điền”. Nét vẽ “lá trúc che ngang” là một nét vẽ thần tình gợi tả vẻ kín đáo, duyên dáng của người con gái thôn Vĩ. Và cho biết “vườn ai”, ấy là vừa xuân thiếu nữ. Cau, nắng, màu xanh như ngọc của vườn ai, lá trúc và gương mặt chữ điền – 5 nét vẽ, nét nào cũng tinh tế, tao nhã, gợi nhiều thương mến bâng khuâng.

2. Thuyền ai đậu bến sông trăng đó…

   Một miền quê thoáng đãng, thơ mộng. Có gió, mây, cỏ hoa, có dòng nước. Cảnh đẹp đầy thi vị, cổ điển. Gió mây đôi ngả phân li. Dòng nước buồn thiu, buồn xa vắng mơ hồ. Hoa bắp nhè nhẹ “lay” cũng gợi buồn.

   “Gió theo lối gió, mây đường mây,
   Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay”

   Khổ một nói đến “nắng mới lên”, nắng bình minh. Khổ 2, nói đến “bến sông trăng”, bến đò trong hoài niệm. Vầng trăng của thương nhớ đợi chờ. “Thuyền ai” có lẽ là con thuyền thiếu nữ? Vần thơ trăng đẹp nhất trong thơ Hàn Mặc Tử. Có bến sông trăng, có con thuyền trăng. Thật thơ mộng, tình tứ:

“Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay?”

   Câu thơ của Hàn Mặc Tử về bến sông trăng và thuyền ai gợi nhớ đến vần ca dao thuyền nhớ bến… bến đợi thuyền. Và vì thế nó gợi lên một mối tình thương nhớ, đợi chờ man mác, mơ hồ, bâng khuâng.

3. Ai biết tình ai có đậm đà?

   Một chữ “mơ” đầy tình tứ trong câu thơ có nhạc điệu chơi vơi: “Mơ khách đường xa, khách đường xa”. Du khách hay thôn nữ Vĩ Giạ? Chắc lại là giai nhân mà thi nhân từng mơ ước: “Áo em trắng quá nhìn không ra”. Vừa thực vừa mông. Con người của thực tại hay con người trong hoài niệm? Sương khói của bến sông trăng hay miệt vườn Vĩ Giạ đã làm mờ nhân ảnh của giai nhân? Trong cảnh có tình. Trong tình có màn sương khói, một thứ tình yêu kín đáo, e dè, thiết tha:

“Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà?”

   Toàn bài thơ có 4 từ “ai” đại từ phiếm chỉ cùng xuất hiện trong các câu hỏi tu từ, không chỉ góp phần tạo nên âm điệu lâng lâng, ngỡ ngàng mà còn dẫn hồn người đọc nhớ về một miền dân ca Huế man mác sâu lắng, bồi hồi, thiết tha:

“Núi Truồi ai đắp mà cao,
Sông Hương ai bới, ai đào mà sâu?
Nong tằm ao cá nương dâu
Đò xưa bến cũ nhớ câu hẹn hò…”

   Kết luận

   “Đây thôn Vĩ Giạ” ngỡ là một bài thơ tả cảnh, nhưng đích thực là một bài thơ tình – tình trong mộng tưởng. Cảnh rất đẹp, rất hữu tình, âm điệu thiết tha, tình tứ. Tình cũng rất đẹp nhưng chỉ là mộng ảo. Bến sông trăng còn đó, nhưng con thuyền tình có kịp chở trăng về tối nay? Xa với, mênh mông. Áo trắng giai nhân, màu trắng trong trinh nữ ấy đã trở thành hoài niệm trong miền thương nhớ của thi sĩ đa tình mà nhiều bất hạnh. “Đây thôn Vĩ Giạ” là bài thơ để ta nhớ và ta thương.

 


Quote Of The Day

“Two things are infinite: the universe and human stupidity; and I'm not sure about the universe.”