Con trâu đã gắn bó thân thiết với người dân Việt Nam từ bao đời nay. Nhắc đến làng quê, đồng lúa, ai cũng nhớ tới con trâu. Hình ảnh những chú trâu lông đen, xám, thân hình vạm vỡ đang thung thăng gặm cỏ trên đồng cỏ xanh mượt hay những chú trâu đang cặm cụi kéo cày... quả là thân thuộc với mỗi người dân Việt Nam.
Trâu là tài sản quý của mỗi nhà nông. Không có trâu lấy đâu ra sức kéo để cày cấy làm ra lúa gạo nuôi sống mọi người. Quan niệm ngày xưa nhà nào tậu được nhiều trâu là nhà ấy giàu sang, có vị thế trong làng. Trâu đã gắn bó mưa nắng, sớm chiều với người nông dân. Ngày ngày, mới mờ sáng, sương sớm vẫn đọng đầy trên ngọn cỏ long lanh xanh mượt, làng xóm vẫn yên ắng chỉ mới có tiếng chú trống choai gáy vang thì trâu đã thức dậy cùng bác nông dân đi ra đồng. Tới trưa, nắng chang chang bác nông dân mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày thì trâu cũng đã mệt. Bác dắt trâu vào ngồi nghỉ dưới luỹ tre xanh rợp mát, tán tre vươn cao, thân dài xanh um. Gió nhẹ thổi qua làm cho những cọc tre sát vào nhau tạo ra tiếng cót két êm tai. Lúc này trâu nằm nghỉ và nhai lại những ngọn cỏ non mà mình vừa gặm được. Đến chiều tối, sau khi trâu đã cày về thì lũ trẻ dắt trâu ra sông tắm. Chúng bơi lội bì bõm và tắm cho trâu, những chú trâu nghe vẻ khoái chí vẫy vẫy đôi tai làm cho nước bắn tung toé, cái đuôi ngoáy tít. Hình ảnh những chú bé tóc ba chỏm cưởi trâu thổi sáo đã đi vào cả dòng tranh dân gian. Chúng cưỡi trâu đuổi nhau, chơi đánh trận giả bằng những ngọn cỏ lau... trâu cũng như hoà mình vào với bọn trẻ để chơi đùa. Trâu còn có mặt ở biết bao lễ hội như: đua trâu, chọi trâu, đâm trâu... được tổ chức thành truyền thống ở các vùng miền. Đem lại cho mọi người giây phút hưng phấn, tạo ra sự sảng khoái tinh thần và vui vẻ trong cuộc sống. Mỗi lễ hội qua đi trâu lại trở về cuộc sống thường nhật với bác nông dân. Sau lễ hội dân làng như được thổi thêm sức sống để làm tốt hơn những công việc thường ngày. Trâu là hiện thân của sức khoẻ. Trâu đã được lấy làm biểu tượng của SEA GAMES - một lễ hội lớn của toàn khu vực. Trâu không những đem lại lợi ích về tinh thần mà còn đem lại bao lợi ích về vật chất. Trâu là tài sản quý. Trâu có thể làm việc thay cho máy móc. Sừng trâu có thể làm đồ mĩ nghệ, làm đồ trang sức, làm lược... với bao hình thù khác lạ, đẹp mắt. Da trâu được dùng làm trống... Trâu cung cấp nhiều thịt, khoảng 42% trọng lượng cơ thể, cung cấp 400 - 500 lít sữa một kì. Trâu còn đẻ ra nghé con: 4 tuổi đẻ lứa đầu chiếm 45%. Trâu 3 tuổi đã có thể đẻ lứa đầu. Một đời trâu cái thường cho 5-6 nghé; nghé sơ sinh nặng 20 - 25kg... Nhiều người nông dân đã làm ăn thấm khá lên nhờ nuôi trâu.
Qua đó ta thấy được lợi ích của trâu cho ta cả về vật chất và tinh thần, ý nghĩa và vai trò quan trọng của trâu ở làng quê Việt Nam. Vì vậy ta phải chăm sóc, nuôi dưỡng và bảo vệ trâu, một loài vật có ích và gắn bó thân thiết với người dân đất nước ta.