* Công nghệ tế bào thực vật:
- Nuôi cấy mô thực vật giúp sản xuất hàng loạt giống cây trồng có phẩm chất cao, đồng đều chất lượng, sạch sâu bệnh, mang lại hiệu quả kinh tế rất cao như nuôi cấy mô các loài hoa phong lan quý hiếm đã thành công từ thập niên 1960. Đến nay, đã nuôi cấy mô thành công các loài dược liệu quý hiếm như nhân sâm, tam thất.
- Nuôi cấy hạt phấn đơn bội rồi lưỡng bội hoá tạo thành các dòng thuần đã thành công ở cây lúa từ thập niên 1970.
- Lai tế bào xôma tạo các cơ thể lai xa khác loài mà phương pháp lai hữu tính không thể thực hiện được cũng đã thành công ở các loài thuốc lá, đậu tương... từ thập niên 1980.
* Công nghệ tế bào động vật:
- Sự ra đời của cừu Đôly (Dolly) đã mở đầu cho hàng loạt các thí nghiệm nhân bản vô tính thành công ở động vật có vú và mở ra một triển vọng nghiên cứu sinh sản vô tính các tế bào gốc ở người và động vật. Một hướng nghiên cứu ứng dụng quan trọng là chuyển gen người vào tế bào lợn tạo ra những nòi lợn có phủ tạng tương thích cao, không bị thải ghép nhằm cung cấp các cơ quan phủ tạng dùng ghép cơ quan cho người.
- Công nghệ cấy truyền phôi ở các loài đại gia súc cũng đã mở ra triển vọng nhân bản nhanh chóng nhiều cá thể động vật quý hiếm nhằm phục vụ cho nhiều mục đích khác nhau.