Trong xã hội mà nền kinh tế tri thức phát triển mạnh mẽ như ngày nay thì việc học tập càng trở nên quan trọng. Khi đó, vai trò trách nhiệm của những người thầy, người cô càng trở nên khó khăn, nặng nề hơn bao giờ hết. Và nhớ đến công ơn của các thầy, các cô là một tình cảm đẹp đẽ cần có ở bất kì người học trò nào.
Thời xưa, cụ Chu Văn An đã từng mở lớp dạy học tại quê nhà. Và nhiều người trong số những học trò của cụ đã làm đến những chức quan quan trọng trong triều đình. Phạm Sư Mạnh là một học trò như thế, tuy đã là quan đầu triều nhưng ông vẫn tỏ thái độ vô cùng kính trọng người thầy cũ của mình. Đến nhà thăm cụ, ông chỉ đứng từ xa vái chào, vào trong nhà cũng không dám ngồi cùng sập với cụ, chỉ xin ngồi ở bậc dưới. Ông trả lời đầy đủ những câu hỏi của thầy, hỏi thăm sức khỏe của thầy như một người học trò bình thường. Tấm lòng thật đáng quý biết bao!
Thời nay, học sinh chúng ta cũng có vô vàn cách để biểu lộ lòng biết ơn của mình đối với thầy cô giáo: tham gia văn nghệ chào mừng 20-11; thi đua giành nhiều hoa điểm tốt; đến thăm, chúc sức khỏe các thầy các cô.
Biết ơn những người đã dạy dỗ mình là một hành động đẹp rất nên làm. Đó là việc làm cùa một người học sinh ngoan, biết phát huy tốt truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta.
Ăn quả nhớ kẻ trồng cây
Ăn khoai nhớ kẻ cho dây mà trồng.
Nếu không có các thầy, các cô dạy dỗ chúng ta, truyền cho chúng ta những kiến thức bổ ích thì chắc gì chúng ta đã đạt được thành công như ngày hôm nay; chắc gì chúng ta đã thành đạt, kiếm nhiều tiền để nuôi sống gia đình và làm lợi cho đất nước. Do vậy ai ai cũng cần phải có lòng biết ơn thầy cô giáo.
Ấy thế mà lại có những học sinh vô ý thức, vô văn hóa, chẳng coi thầy cô ra gì. Những học sinh đó học thì kém lại hay nghịch dại, làm thầy cô và bố mẹ phiền lòng. Thậm chí còn mắng, chửi thầy cô khi bị điểm kém hay bị hạ hạnh kiểm. Đáng trách thay!
Chúng ta có rất nhiều cách để tỏ lòng biết ơn những người đã có công dạy dỗ mình: ngồi trong lớp chỉ cần các bạn chú ý nghe giảng tức là đã tỏ lòng biết ơn rồi đấy. Học thật giỏi, giành được nhiều điểm chín, mười chính là cách đền ơn các thầy các cô tốt nhất của chúng ta. Ngoài ra, vào ngày 20-11, 8-3, Tết cổ truyền, học sinh có thể họp nhau lại cùng đến nhà thầy cô, thầy cô vui mà chúng ta cũng được coi là học sinh ngoan, có nghĩa, biết đền ơn.
Người ta nói:
Qua sông thì bắc cầu kiều
Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy.
Thật vậy! Cứ giả sử xã hội này mà không có nghề dạy học thì không biết nó sẽ trì trệ và kém phát triển đến thế nào! Vậy thì ngay từ bây giờ, chúng ta hãy tỏ ra là những người học trò ngoan bằng cách tỏ lòng biết ơn các thầy, các cô của mình. Họ xứng đáng được chúng ta nhớ ơn và kính trọng!