Câu 1. Trong giảm phân, các cặp NST tương đồng tiếp hợp với nhau ở kì đầu I. Hiện tượng này có thể làm phát sinh sự trao đổi chéo giữa các nhiễm sắc tử (crômatit) khác chị em trong cặp NST kép tương đồng, kết quả là làm tăng các biến dị tổ hợp, tạo nguồn nguyên liệu cho chọn lọc và tiến hóa, giúp loài sinh sản hữu tính ngày càng thích nghi với môi trường sống. Mặt khác, do NST tương đồng bắt đôi thành từng cặp nên sự phân li của NST đã làm giảm số lượng NST đi một nửa trong mỗi giao tử (n) và cùng với thụ tinh, đây là nhân tố góp phần duy trì bộ NST lưỡng bội (2n) đặc trưng của loài qua các thế hệ.
Câu 2.
Phân chia nhân
Dựa bào một số dấu hiệu đặc trưng, phân chia nhân được chia làm 4 giai đoạn :
- Kì đầu: các NST kép dần co xoắn, màng nhân và nhân con dần tiêu biến, thoi phân bào dần xuất hiện.
- Kì giữa: các NST kép co xoắn cực đại và xếp thành một hàng ở mặt phẳng xích đạo của thoi phân bào. Mỗi NST kép đính với thoi phân bào ở tâm động.
- Kì sau: các nhiễm sắc tử tách nhau ra và di chuyển trên thoi phân bào về hai cực của tế bào.
- Kì cuối: các NST dần dãn xoắn, màng nhân và nhân con dần xuất hiện.
Phân chia tế bào chất
Khi kì sau hoàn tất việc phân chia vật chất di truyền, tế bào bắt đầu phân chia tế bào chất để hình thành nên hai tế bào con.
- Đối với động vật: sự phân chia tế bào chất diễn ra bằng cách thắt màng tế bào ở vị trí mặt phẳng xích đạo.
- Đối với thực vật: sự phân chia tế bào chất diễn ra bằng cách hình thành vách ngăn bằng xenlulôzơ ở trung tâm tế bào để dần ngăn cách tế bào mẹ thành 2 tế bào con.
Kết quả: từ một tế bào mẹ tạo ra hai tế bào con có đặc điểm di truyền giống nhau và giống hệt tế bào mẹ.