Cảm nhận của anh/chị về vẻ đẹp riêng của hai đoạn thơ sau:
Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
Áo bào thay chiếu anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành
(Tây Tiến – Quang Dũng, Ngữ Văn 12, tập 1, NXBGDVN, 2012)
Có biết bao người con gái con trai
Trong bốn nghìn lớp người giống ta lứa tuổi
Họ đã sống và chết
Giản dị và bình tâm
Không ai nhớ mặt đặt tên
Nhưng họ đã làm ra Đất Nước
(Đất nước – Nguyễn Khoa Điềm, Ngữ Văn 12, tập 1, NXBGDVN, 2012)
LẬP DÀN Ý:
1. Mở bài: Giới thiệu chung:
- Quang Dũng là gương mặt tiêu biểu của thơ ca kháng chiến chống Pháp với hồn thơ hào hoa, lãng mạn thấm đượm tình đồng bào đồng chí. “Tây Tiến” là bài thơ hay nhất, tiêu biểu nhất của Quang Dũng. Bài thơ được Quang Dũng viết vào năm 1948 ở Phù Lưu Chanh khi ông đã xa đơn vị Tây Tiến một thời gian.
- Nguyễn Khoa Điềm là một trong những nhà thơ tiêu biểu trong nền thơ ca Việt Nam thời chống Mĩ. Đất Nước là chương V của trường ca Mặt đường khát vọng được sáng tác vào cuối năm 1971 (đoạn trích trong SGK chỉ là một phần của chương này). Có thể nói đây là chương hay nhất, thể hiện sâu sắc một trong những tư tưởng cơ bản nhất của bản trường ca – tư tưởng “Đất Nước của Nhân Dân”.
- Hai đoạn thơ trên đã tập trung thể hiện vẻ đẹp của tình yêu nước, sự hi sinh cao cả của các thế hệ con người Việt Nam trong chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc.
2. Thân bài: Trình bày cảm nhận:
a. Đoạn thơ trong bài Tây Tiến:
Thí sinh có thể có những cách trình bày khác nhau, nhưng cần làm nổi bật:
- Hiện thực gian khổ, khắc nghiệt và những mất mát to lớn trong chiến tranh "Rải rác biên cương mồ viễn xứ", "Áo bào thay chiếu anh về đất".
- Tinh thần yêu nước, anh dũng và sự hi sinh bi tráng của người lính Tây Tiến. Ở họ luôn ngời lên tinh thần quả cảm, sẵn sàng cống hiến tuổi trẻ cho đất nước "Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh"
- Lời thơ là lời ai điếu dữ dội của thiên nhiên tiễn đưa linh hồn tử sĩ. Ngòi bút vừa hiện thực vừa lãng mạn, giọng điệu vừa bi thương vừa hùng tráng, nói giảm nói tránh, thể thơ thất ngôn với ngôn ngữ trang trọng, cổ kính qua hệ thống từ Hán Việt....
b. Đoạn thơ trong bài Đất nước:
Thí sinh có thể có những cách trình bày khác nhau, nhưng cần làm nổi bật được sự khám phá về đất nước dưới góc nhìn lịch sử.
- Nhà thơ bộc lộ lòng trân trọng ngợi ca, biết ơn với nhân dân - những người anh hùng vô danh đã cống hiến, hi sinh một cách tự nguyện, thầm lặng để làm nên đất nước.
- Thể thơ tự do với những câu dài ngắn linh hoạt, ngôn ngữ bình dị; giọng điệu tâm tình nhẹ nhàng, sâu lắng dễ đi vào lòng người.
c. Đánh giá:
Qua việc so sánh cần làm rõ vẻ đẹp riêng của 2 ngòi bút:
- Sự tương đồng:
Hai đoạn thơ cùng ngợi ca tinh thần yêu nước của những người đã ngã xuống trong công cuộc đấu tranh bảo vệ đất nước. Họ hi sinh một cách tự nguyện, thanh thản, nhẹ nhàng mà thầm lặng.
- Sự khác biệt:
+ Đoạn thơ trong bài “Tây Tiến”, ra đời vào thời kì đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, khắc họa vẻ đẹp rất hào hùng, bi tráng của người lính Tây Tiến, họ là những con người cụ thể - những chàng trai xuất thân từ Hà Nội, lần đầu lên miền Tây hoang vu, xa xôi để chiến đấu với lí tưởng cao đẹp. Giọng điệu vừa bi thương vừa hùng tráng, biện pháp nói giảm, nói tránh, thể thơ thất ngôn với ngôn ngữ trang trọng, cổ kính, thể hiện rõ hồn thơ Quang Dũng tinh tế, hào hoa, đậm chất lãng mạn.
+ Đoạn thơ trong đoạn trích “Đất nước” ra đời trong kháng chiến chống Mĩ, khắc họa hình ảnh tập thể (nhân dân) dưới góc nhìn lịch sử, trân trọng những người bình dị, vô danh nhưng đã làm ra đất nước. Thể thơ tự do, bộc lộ rõ phong cách thơ Nguyễn Khoa Điềm: giàu chất suy tư, càm xúc lắng đọng, thể hiện tâm tư của người trí thức đứng về nhân dân.
3. Kết bài:
Nêu cảm nhận chung về giá trị của cả hai đoạn thơ.