Đọc đoạn trích sau và trả lời các câu hỏi:
“Tiếng Việt là một trong những ngôn ngữ hay trên thế giới. Tiếng Việt lại khá phong phú, đặc biệt giàu từ vựng mang ngữ nghĩa cụ thể… Ấy thế nhưng, giờ đây không ít người Việt lại sính tiếng Anh thái quá. Hình như trong mỗi lời nói, mỗi câu văn của họ phải điểm thêm vài tiếng nước ngoài thì mới là sành điệu, mới có vẻ sang trọng, uyên bác về tri thức, lịch lãm trong giao tiếp?...
… Phải chăng những người sính ngoại ngữ ấy tự ti, mặc cảm với tiếng Việt, hay thích khoe mẽ, hay còn có một lí do nào khác? Chỉ biết rằng nếu không kịp thời chấn chỉnh thì nền văn hóa của dân tộc ta sẽ bị lai căng, bát nháo một cách đáng lo ngại.
… Sự lạm dụng tiếng nước ngoài không chỉ làm cho tiếng Việt bị vẩn đục, càng ngày càng kém trong sáng, mà xét về mặt ý thức thì đó lại là một thái độ coi rẻ tiếng mẹ đẻ. Nhớ lời Bác dạy, chúng ta chỉ nên vay mượn tiếng nước ngoài trong những trường hợp thật cần thiết, bởi chính cách nói và cách viết của Bác đã là một tấm gương cho chúng ta noi theo”.
(Lược dẫn theo Hoàng Bảo, Đại học Huế, Tạp chí Tri thức Trẻ, số 225, 20/10/2007)
Câu 1: Xác định phương thức biểu đạt chính trong văn bản trên?
Câu 2: Theo em hiện tượng “sính ngoại ngữ” ảnh hưởng như thế nào đến sự trong sáng của tiếng Việt?
Câu 3: Tại sao tác giả khẳng định: Nếu không kịp thời chấn chỉnh hiện tượng sính ngoại ngữ thì nền văn hóa của dân tộc ta sẽ bị lai căng, bát nháo một cách đáng lo ngại?
Câu 4: Thông điệp nào của đoạn trích có ý nghĩa nhất với anh/chị?
Câu 1:
Phương thức biểu đạt chính: Nghị luận
Câu 2:
Hiện tượng “sính ngoại ngữ” ảnh hưởng đến sự trong sáng của tiếng Việt:
- Làm cho tiếng Việt bị vẩn đục, kém trong sáng.
- Làm mất đi những cái hay, cái đẹp vốn có của tiếng Việt vì tiếng Việt là một ngôn ngữ phong phú, giàu từ vựng mang ngữ nghĩa cụ thể.
- Làm vốn từ tiếng Việt không được bồi đắp thêm những từ hay, từ thuần Việt mà làm ngôn ngữ trở nên hỗn tạp, tâm lý ngại sáng tạo từ ngữ thuần Việt (vì khi cần diễn đạt một vấn đề ngữ nghĩa mới, người ta dùng luôn ngoại ngữ để thay thế).
- Người Việt thiếu hụt những tri thức cơ bản, chuẩn mực về tiếng Việt vì hiện tượng sínhngoại ngữ quá phổ biến.
Câu 3:
Nếu không kịp thời chấn chỉnh hiện tượng sính ngoại ngữ thì nền văn hóa của dân tộc ta sẽ bị lai căng, bát nháo một cách đáng lo ngại, vì:
- Ngôn ngữ là một trong những nhân tố hợp thành quan trọng, góp phần làm nên cái nền tảng về giá trị, bản sắc, tinh hoa của nền văn hóa dân tộc; bởi lẽ nó liên quan đến ý thức xã hội, ứng xử, giao tiếp xã hội, cũng như các kết quả hoạt động vật chất và tinh thần của con người trong xã hội. Nếu ngôn ngữ không chuẩn mực, lai căng, bát nháo thì cả nền văn hóa sẽ bị pha tạp, hỗn độn, không xác định được chuẩn mực.
- Làm mất đi vị thế của tiếng Việt ngay trên đất nước mình. Khi ngôn ngữ của một dân tộc không khẳng định được vị thế của mình thì không thể góp phần nàng nâng cao vị thế của đất nước trên trường quốc tế.
- Hiện tượng sính ngoại ngữphổ biến cả ở ngôn ngữ báo chí mang tính chính thống và định hướng, gây ra sự khó chịu cho người nghe, làm mất niềm tin ở một bộ phận lớn cộng đồng yêu ngôn ngữ thuần Việt, từ đó gây mất niềm tin về đất nước mình.
Câu 4:
HS trình bày suy nghĩ cá nhân, giải thích vì sao thông điệp đó có ý nghĩa với em nhất?
- Có thể lựa chọn những thông điệp như: Tiếng Việt là một ngôn ngữ giàu và đẹp; Hãy cùng nhau giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt bằng việc đẩy lùi hiện tượng “sính ngoại ngữ”…