Đọc hiểu - Đề số 72 - THPT

Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi từ Câu 1 đến Câu 4:

THỜI GIAN NHÀN RỖI

Người ta thường chia thời gian mỗi ngày thành ba phần: Tám giờ làm việc, tám giờ ngủ và tám giờ nhàn rỗi, mặc dù không phải ai cũng có được tỉ lệ đều đặn như thế. Hai tiếng "nhàn rỗi" gây cho ta ấn tượng tám giờ không làm gì, có vẻ "vô thưởng vô phạt", không quan trọng.

Kì thực thời gian nhàn rỗi là cực kì quý báu. Đó là thời gian để mỗi người sống cuộc sống riêng của mình. Đó là thời gian để đọc sách báo, tự học, xem ti vi, chơi thể thao, đàn hát, nhảy múa, vẽ tranh, làm thơ, đi mua sắm, giao lưu với bạn bè, thăm viếng những người ruột thịt,... Thời gian nhàn rỗi làm cho người ta giàu có hơn về trí tuệ, tăng cường thêm về sức khỏe, phát triển thêm về năng khiếu, cá tính, phong phú thêm về tinh thần, quan hệ. Thiếu thời gian nhàn rỗi, đời sống con người sẽ nghèo nàn, thậm chí là không có cuộc sống riêng nữa!

Đánh giá đời sống của mỗi người cao hay thấp hãy nhìn vào thời gian nhàn rỗi của họ. Có người làm việc "đầu tắt mặt tối" không có lấy chút nhàn rỗi. Có người phung phí thời gian ấy vào các cuộc nhậu nhẹt triền miên. Có người biết dùng thời gian ấy để phát triển chính mình. Phải làm sao để mỗi người có thời gian nhàn rỗi và biết sử dụng hữu ích thời gian ấy là một vấn đề lớn của xã hội có văn hóa.

Đánh giá đời sống một xã hội cũng phải xem xã hội ấy đã tạo điều kiện cho con người sống với thời gian nhàn rỗi như thế nào. Công viên, bảo tàng, thư viện, nhà hát, nhà hàng, câu lạc bộ, sân vận động, điểm vui chơi,...là những cái không thể thiếu. Xã hội càng phát triển thì các phương tiện ấy càng nhiều, càng đa dạng và càng hiện đại. Xã hội ta đang chăm lo các phương tiện ấy, nhưng vẫn còn chậm, còn sơ sài, chưa có sự quan tâm đúng mức, nhất là ở các vùng nông thôn.

Thời gian nhàn rỗi chính là thời gian của văn hóa và phát triển. Mọi người và toàn xã hội hãy chăm lo thời gian nhàn rỗi của mỗi người.

(Theo Hữu Thọ, Ngữ Văn 11 Nâng cao, tập hai, NXB Giáo dục, 2007, tr. 94)

Câu 1.Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản.

Câu 2.Chỉ ra một thành ngữ dân gian được sử dụng trong văn bản.

Câu 3. Theo tác giả, vì sao "Thiếu thời gian nhàn rỗi, đời sống con người sẽ nghèo nàn"?

Câu 4. Anh/chị hãy giải thích tại sao "Đánh giá đời sống một xã hội cũng phải xem xã hội ấy đã tạo điều kiện cho con người sống với thời gian nhàn rỗi như thế nào"?

Lời giải

Câu 1:

Phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong văn bản: nghị luận/phương thức nghị luận.

Giải thích:

 Nêu ý kiến và bàn luận về vấn đề “Thời gian nhàn rỗi”.

Câu 2:

Học sinh chỉ ra được một trong hai thành ngữ dân gian sau:

- Vô thưởng vô phạt.

- Đầu tắt mặt tối.

Câu 3:

Tác giả cho rằng: “Thiếu thời gian nhàn rỗi, đời sống con người sẽ nghèo nàn” bởi:

- Đó là thời gian để mỗi người sống cuộc sống riêng của mình.

- Thời gian nhàn rỗi làm cho người ta giàu có hơn về trí tuệ, tăng cường thêm về sức khỏe, phát triển thêm về năng khiếu, cá tính, phong phú thêm về tinh thần, quan hệ.

Câu 4:

“Đánh giá đời sống một xã hội cũng phải xem xã hội ấy đã tạo điều kiện cho con người sống với thời gian nhàn rỗi như thế nào”vì:

- Mỗi cá nhân là một tế bào của xã hội, nên khi đánh giá xã hội phải dựa trên đời sống của từng cá nhân.

- Thời gian nhàn rỗi lại là một tiêu chí quan trọng để đánh giá chất lượng đời sống, trình độ nhận thức cao hay thấp của mỗi người.

- Sự quan tâm của xã hội đối với đời sống con người khẳng định sự tiến bộ, phát triển của xã hội đó.

(Câu trả lời có thể diễn đạt theo nhiều cách khác nhau nhưng cần đảm bảo nội dung cơ bản trên)


Quote Of The Day

“Two things are infinite: the universe and human stupidity; and I'm not sure about the universe.”