Đọc hiểu - Đề số 67 - THPT

Đọc đoạn thơ sau đây và thực hiện các yêu cầu từ 1 đến 4:

“…tiếng ghi ta nâu

bầu trời cô gái ấy

tiếng ghi ta lá xanh biết mấy

tiếng ghi ta tròn bọt nước vỡ tan

tiếng ghi ta ròng ròng

máu chảy

 

không ai chôn cất tiếng đàn

tiếng đàn như cỏ mọc hoang

giọt nước mắt vầng trăng

long lanh trong đáy giếng…”

(Trích “Đàn ghi ta của Lorca” – Thanh Thảo)

Câu 1. Đoạn thơ trên được viết theo thể thơ nào?

Câu 2. Nội dung chính của đoạn thơ?

Câu 3. Chỉ ra 2 biện pháp tu từ trong đoạn thơ trên và nêu tác dụng.

Câu 4. Ý nghĩa biểu tượng của hình ảnh tiếng đàn (cây đàn).

Lời giải

Câu 1.

Đoạn thơ được viết theo thể thơ tự do

(Thể thơ tự do với phong cách tượng trưng có pha màu sắc siêu thực rất gần gũi với phong cách thơ Lor-ca: đề nghị lối viết tự động, cho rằng thơ là mạch cảm xúc tuôn tràn nên dường như không mạch lạc, hình ảnh mới lạ, không viết hoa đầu dòng, không ngắt câu).

Câu 2.

Nội dung chính của đoạn thơ:

-6 dòng thơ đầu: diễn tả cái chết bi tráng, đột ngột của người nghệ sĩ Lor-ca đấu tranh cho tự do và cách tân nghệ thuật:

+ Mỗi tiếng ghi ta là một hình dung về cái chết thảm khốc của Lor-ca.

+ Mỗi tiếng ghi ta còn là một cảm nhận, một nỗi niềm của con người trước cái chết ấy.

- 4 dòng thơ cuối: thể hiện niềm tiếc thương sâu sắc và niềm tin mãnh liệt vào sự bất tử của tên tuổi, sự nghiệp Lor-ca

+ Niềm tiếc thương đối với Lor-ca, người nghệ sĩ với khát vọng tự do và cách tân nghệ thuật.

+ Nỗi xót xa những cách tân nghệ thuật của Lor-ca không ai tiếp tục

+ Niềm tin mãnh liệt vào sự bất tử của tiếng đàn Lor-ca.

Câu 3.

2 biện pháp tu từ trong đoạn thơ:

- Nhân hóa: nhà thơ đã nhân hóa “tiếng ghi-ta” thành một nhân vật (Lor-ca), một cá thể con người đang “ròng ròng máu chảy”. Cách nhân hóa này có sức ám ảnh rất đặc biệt, có sức gợi cảm rất lớn, nó vừa nói lên nỗi bi phẫn của Lor-ca, vừa gợi lên nỗi đau đớn xót xa của nhà thơ trước tấn bi kịch của Lor-ca. Với cách nhân hóa này, nhà thơ Thanh Thảo đã cho chúng ta thấy: âm nhạc đã thành thân phận, tiếng đàn đã thành linh hồn, thành cả sinh thể, thân thể.

- Điệp từ: tiếng ghi ta

⟹ Nhấn mạnh, lặp đi lặp lại nhiều lần hình ảnh tiếng đàn để bộc lộ cảm xúc và gợi ra những trường liên tưởng khác nhau – tiếng đàn là tiếng lòng, là tâm hồn Lor-ca.

Câu 4.

Ý nghĩa biểu tượng của hình ảnh tiếng đàn (cây đàn):

Tiếng đàn được đặt trong những trường liên tưởng khác nhau, gợi nỗi đau đớn bất ngờ trước sự mất mát, trước cái chết của Lor-ca. Tiếng đàn là tiếng lòng, là tâm hồn Lor-ca:

- “Tiếng ghi ta nâu – bầu trời cô gái ấy”: có thể gợi liên tưởng tiếng đàn đến nỗi đau đớn của một cô gái có nước da nâu, người yêu của Lor-ca.

- “Tiếng ghi ta lá xanh biết mấy”: cũng có thể được hiểu như sự sống vĩnh cửu của tiếng đàn.

- “Tiếng ghi ta tròn bọt nước vỡ tan” hay là sóng dậy từ tiếng đàn uất hận của người nghệ sĩ chiến đấu?

- Người nghệ sĩ đấu tranh cho tự do, cho cuộc sống tốt đẹp có thể bị giết nhưng tiếng đàn – tâm hồn của Lor-ca thì bất tử. Không thể chôn cất tiếng đàn, tiếng đàn bất diệt như cỏ mọc hoang, có sức sống mãnh liệt.

…                                                            

⟹ Có thể có những cách cảm nhận khác nhau. Những hình tượng siêu thực cho phép mở rộng liên tưởng vô bờ mà cách đọc như trên chỉ là một. Dẫu cho các hình tượng rất khó đọc một cách chính xác theo cách đọc duy lý thông thường nhưng nếu ta hiểu được tình cảm của người viết với người nghệ sĩ Lor-ca thì có thể lý giải các hình tượng ấy.


Quote Of The Day

“Two things are infinite: the universe and human stupidity; and I'm not sure about the universe.”