Đề số 9 - Đề kiểm tra học kì 1 (Đề thi học kì 1) - Lịch sử 10

PHẦN TRẮC NGHIỆM (2,0 điểm)

Câu 1. Thời kì phát triển của các quốc gia phong kiến Đông Nam Á là thời kì

A. khoảng nửa sau thế kỉ X đến nửa đầu thế kỉ XVIII.

B. khoảng nửa đầu thế kỉ X đến nửa sau thế kỉ XVIII.

C. khoảng nửa sau thế kỉ X đến nửa đầu thế kỉ XIX.

D. khoảng nửa đầu thế kỉ X đến giữa thế kỉ XIX.

Câu 2. Thời kì định hình và phát triển của văn hóa truyền thống Ấn Độ là

A. Thời kì Magađa (khoảng 500 năm TCN đến thế kỉ III).

B. Thời kì Gúpta (319 – 606).

C. Thời kì Hácsa (606 – 647).

D. Thời kì Asôca qua thời Gúpta đến thời Hácsa (từ thế kỉ III TCN đến thế kỉ VII).

Câu 3. Đạo Phật xuất hiện ở Ấn Độ vào thời gian nào?

A. Thế kỉ VI TCN.                B. Thế kỉ IV

C. Thế kỉ VI                         D. Thế kỉ VII

Câu 4. Những công trình kiến trúc bằng đá rất đẹp và rất lớn, gắn liền với đạo Phật Ấn Độ là

A. chùa                                  B. chùa hang 

C. tượng Phật                        D. đền

Câu 5. Thuế ngoại đạo ở Ấn Độ thời kì Vương triều Hồi giáo Đêli là loại thuế gì?

A. Thuế dành cho những người theo đạo Phật.

B. Thuế dành cho những người theo đạo Hinđu.

C. Thuế dành cho những người không phải người Ấn Độ.

D. Thuế dành cho những người không theo đạo Hồi.

Câu 6. Bốn phát minh quan trọng của Trung Quốc thời phong kiến là

A. giấy, kĩ thuật in, thuốc súng và y dược.

C. giấy, kĩ thuật in, la bàn và thuốc súng.

B. la bàn, kĩ thuật in, thuốc súng và y dược.

D. kiến trúc, kĩ thuật in, thuốc súng. 

Câu 7. Phát biểu nào sau đây không phải là chính sách của vua A-cơ-ba ở Ấn Độ?

A. Xây dựng chính quyền mạnh mẽ, dựa trên sự liên kết các tầng lớp quý tộc, không phân biệt nguồn gốc.

B. Xây dựng khối hòa hợp dân tộc, hạn chế phân biệt sắc tộc, tôn giáo.

C. Tăng cường bóc lột của chủ đất và quý tộc.

D. Khuyến khích các hoạt động sáng tạo văn hóa, nghệ thuật.

Câu 8. Sắp xếp các triều đại sau theo đúng trình tự thời gian trong lịch sử Trung Quốc thời phong kiến:

1. Nhà Tần - Hán; 2. Nhà Minh; 3. Nhà Thanh; 4. Nhà Đường.

A. 1,2,3,4.                         B. 1,4,2,3.

C. 1,3,2,4.                         D. 2,1,3,4.

PHẦN TỰ LUẬN (8 điểm)

Câu 1: (3,0 điểm)

Tại sao nói thời Gúp- ta định hình và phát triển văn hóa truyền thống Ấn Độ?

Câu 2: (2,0 điểm)

Trình bày những chính sách về chính trị của nhà Đường nhằm củng cố chính quyền Trung ương ở Trung Quốc thời phong kiến.

Câu 3: (3,0 điểm)

Xã hội cổ đại phương Đông gồm những giai cấp nào? Nêu vai trò của nông dân công xã trong xã hội cổ đại phương Đông.

Lời giải

PHẦN TRẮC NGHIỆM

1

2

3

4

5

6

7

8

A

D

A

B

D

C

C

B

PHẦN TỰ LUẬN

Câu 1:

Thời Gúp- ta định hình và phát triển văn hóa truyền thống Ấn Độ vì:

- Thời gian: trải qua 9 đời vua với gần 150 năm (319 – 467).

- Thời kì Gúpta xuất hiện nhiều tôn giáo, chữ viết, kiến trúc, điêu khắc mang đặc trưng

riêng biệt, làm cơ sở cho sự hình thành và phát triển của văn hóa truyền thống Ấn Độ.

- Biểu hiện:

+ Tôn giáo:

Đạo Phật: Xuất hiện vào thế kỉ VI TCN ở Đông Bắc Ấn Độ. Dưới các vương triều Gúpta, Phật giáo được truyền bá rộng rãi.

Ấn Độ giáo (Hinđu giáo): Ra đời đầu công nguyên và phát triển nhanh chóng, rộng rãi

dưới vương triều Gúpta…

+ Chữ viết: Trên cơ sở chữ viết cổ, chữ Phạn ra đời và trở thành văn tự chính thức của

Ấn Độ. Chữ Phạn được dùng phổ biến dưới thời Gúpta trong việc viết văn bia.

+ Kiến trúc và điêu khắc

Kiến trúc Phật giáo phát triển với chùa hang, tượng Phật bằng đá.

Kiến trúc Ấn Độ giáo: Các đền hình tháp nhọn nhiều tầng bằng đá, bằng đồng, được trang trí tỉ mỉ bằng những bức phù điêu độc đáo…

+ Văn học: Mang tinh thần và triết lý Hin đu giáo..

Câu 2.

Những chính sách về chính trị của nhà Đường nhằm củng cố chính quyền Trung ương ở Trung Quốc thời phong kiến:

- Nhà Đường tiếp tục bộ máy củng cố chính quyền từ TW đến địa phương, làm cho bộ máy cai trị được hoàn chỉnh.

- Cử người thân tín cai quản các địa phương, bổ sung chức Tiết độ sứ, trấn ải biên cương.

- Tuyển dụng quan lại bằng thi cử (không chỉ con em quý tộc mà cả con em địa chủ)....

- Thực hiện chính sách xâm lược mở rộng lãnh thổ: Nội Mông, Tây Vực, An Nam…

Câu 3.

1. Xã hội cổ đại phương Đông gồm 2 giai cấp:

- Thống trị: đứng đầu là những ông vua chuyên chế và đội ngũ đông đảo quý tộc, quan

lại, chủ ruộng đất và tăng lữ.

- Bị trị: nông dân công xã và nô lệ.

2.Vai trò của nông dân công xã trong xã hội cổ đại phương Đông

- Là bộ phận đông đảo nhất trong xã hội.

- Họ có vai trò to lớn trong sản xuất.

- Họ nhận ruộng đất ở công xã để canh tác, phải nộp một phần sản phẩm thu hoạch được và làm không công cho quý tộc.