Tiết 1

Đề bài

Câu 1. Đọc bài sau và trả lời câu hỏi:

Hai con chim gáy

     Có hai con chim gáy rất thân với nhau. Chúng hết tha thẩn xuống đồng lượm từng hạt lúa lại bay lên ngọn tre. Chẳng may, một anh bị con người bẫy được đem về nuôi. Anh kia liền đi tìm bạn mới.

     Mặc dù được chăm sóc chu đáo, nhưng bị giam hãm trong lồng phần thì nhớ da diết cánh đồng quê, phần thì nhớ bạn, chim cất lên những tiếng ai oán não nùng. Nghe tiếng than của bạn, anh chim gáy ở ngoài tìm đến thăm. Thấy bạn mình được ở trong chiếc lồng son, có thức ăn, nước uống đầy đủ, anh ta ganh tị bảo:

     - Tưởng anh khổ cực lắm, hóa ra được nâng niu chiều chuộng còn than vãn nỗi gì.

     Anh chim trong lồng nghẹn ngào không thốt nên lời. Thấy thế anh chim ở ngoài nảy ý định: Mình muốn vào đó, nhưng có cả hai thì thức ăn sẽ ít đi, chi bằng tìm kế cho nó bay ra để ta tha hồ mà chén. Nghĩ vậy, anh ta liền dùng lời ngon ngọt dụ dỗ:

     - Muốn thoát thân thì nhịn ăn, giả vờ chết. Chủ sẽ bắt ra xem thử, lúc ấy  hãy nhanh chân tẩu thoát.

     Quả thật bằng cách đó anh chim trong lồng trốn thoát và vùng vẫy nơi trời cao, say sưa cất giọng trầm bổng. Còn anh chim ở ngoài lại cứ quanh quẩn bên chiếc lồng, tất nhiên được vào trong dễ dàng.

     Được no nê nhưng anh ta nhận ra sự cô độc, tù túng. Từ đó, chim càng lười biếng không cất nổi tiếng gáy. Người chủ thấy thế cũng chẳng còn chăm sóc như ngày xưa nữa. Nhiều hôm phải nhịn đói, nước mắt lưng tròng, thân hình tiều tụy trông thấy mà tội nghiệp, anh ta liền dở chiêu cũ nhưng chẳng có ai tin nữa. Lúc này, anh chim gáy mới nhận ra rằng sống mà chỉ vì miếng ăn thì đó chỉ là kiếp sống thừa.

(Theo Gia đình Online)

a) Khi con chim gáy bị bắt và nhốt trong lồng tâm trạng của nó như thế nào?

b) Con chim gáy đang được tự do đã bày mưu như thế nào để con chim trong lồng được giải thoát?

c) Em hiểu câu văn: “Sống mà chỉ vì miếng ăn thì đó là kiếp sống thừa.” như thế nào?

d) Câu chuyện cho em hiểu gì về tình bạn trong cuộc sống?

Câu 2. Khoanh vào chữ cái trước cặp quan hệ từ thể hiện mối quan hệ tăng tiến giữa hai vế câu.

a) không những ……… mà còn ………

b) chẳng những ……… mà ………

c) nếu ……… thì ………

d) không chỉ ……… mà ………

Câu 3. Điền tiếp vào chỗ trống để được câu ghép hoàn chỉnh:

a) Chú Hà không những là người chơi đàn giỏi ………

b) Mẹ không chỉ giúp em học bài ………

c) Em không chỉ học được đức tính chăm chỉ của bạn Linh ………

Lời giải chi tiết

Câu 1: Đọc truyện và trả lời câu hỏi:

a. Khi con chim gáy bị bắt và nhốt vào trong lồng nó cảm thấy nhớ da diết cánh đồng quê và nhớ bạn của mình.

b. Con chim gáy đang được tự do đã bày mưu để con chim trong lồng được giải thoát như sau:

Nhịn ăn, giả vờ chết, đợi chủ bắt ra xem thử thì nhanh chân tẩu thoát.

c. Cuộc sống mỗi một ngày trôi qua mà chỉ vì miếng ăn, chỉ cần ăn để duy trì sự sống thì đó thật sự là một cuộc sống thừa thãi và vô vị. Ý nghĩa của cuộc sống chính là tự do, là lao động chân chính, được làm những điều mình yêu thích và  cảm thấy có ý nghĩa.

d. Câu chuyện cho em hiểu về tình bạn trong cuộc sống:

Trong tình bạn luôn cần sự thấu hiểu, thông cảm và giúp đỡ lẫn nhau. Quan tâm và vô tư giúp đỡ lẫn nhau, không ích kỷ, hẹp hòi mới là tình bạn đáng quý cần phải trân trọng.                                     

Câu 2: Cặp quan hệ từ thể hiện mối quan hệ tăng tiến giữa hai vế câu đó là:

a. Không những …… mà còn …..

b. Chẳng những ….. mà ….

d. Không chỉ … mà

Câu 3:

a. Chú Hà không những là người chơi đàn giỏi …………….

 Chú Hà không những là người chơi đàn giỏi mà chú còn hát rất hay.

b. Mẹ không chỉ giúp em học bài …………………….

 Mẹ không chỉ giúp em học bài mà mẹ còn dạy em nhiều bài học ý nghĩa trong cuộc sống.

c. Em không chỉ học được đức tính chăm chỉ của bạn Linh ………..

⟶ Em không chỉ học được đức tính chăm chỉ của bạn Linh mà em còn thấy được bạn ấy là một người con rất hiếu thảo.