Đề bài
Câu 1. Đọc bài sau và trả lời câu hỏi:
Cô bé làng Chăm
Đông Chiêu bẻ cục đất sét bằng nắm tay đặt trên mặt bàn nhỏ. Hai bàn tay em mềm mại, thoăn thoắt biến cục đất sét vô tri thành cái nồi xinh xắn, trong khi hai chân em không ngừng di chuyển xung quanh mặt bàn. Nét đặc biệt trong nghề gốm cổ truyền của làng Chăm là không dùng bàn xoay mà người thợ phải đi xung quanh cái bàn.
Trên mảnh sân nhỏ, những chiếc nồi tròn vo, đều đặn như được đúc từ một cái khuôn, được tắm nắng trước khi đem nung. Ở quê Đông Chiêu, cách nung đồ gốm cũng khác lạ, không cần cho sản phẩm vào lò mà xếp xen kẽ với rơm rạ, củi khô thành nhiều lớp trên bãi đất trống đầu làng. Khi gió nổi, người thợ mới châm lửa cháy bùng, và chỉ cần mười lăm đến hai mươi phút đã đủ chín sản phẩm.
Đã chín giờ, Đông Chiêu ngừng tay, đi ôn tập cho buổi học chiều. Như bao cô học trò Chăm khác, ngoài việc học em còn phải giúp đỡ cha mẹ nhiều việc để cải thiện cuộc sống vốn không mấy dư dả. Năm nay, Đông Chiêu thi tốt nghiệp tiểu học nên em càng phải học nhiều hơn..
(Hồ Việt Khuê)
a) Với bàn tay khéo léo, Đông chiêu đã biến cục đất sét thành vật gì?
b) Vì sao tác giả nói những chiếc nồi do bạn Đông Chiêu làm ra như đúc từ một cái khuôn?
c) Tại sao Đông Chiêu phải vừa học vừa giúp đỡ cha mẹ làm việc?
d) Em học được bài học gì từ bạn Đông Chiêu?
Câu 2. Điền dấu phẩy vào vị trí phù hợp trong câu sau:
a) Cậu bé đi ra vườn hái quả ăn.
b) Vì trời mưa tớ không đến thăm cậu được.
c) Ngày mai tất cả lớp mình đi tham quan.
d) Người lái buôn mang về chú vẹt mào đỏ chót lông xanh biếc.
Câu 3. Gạch dưới các quan hệ từ có trong đoạn văn sau và nêu tác dụng của chúng:
Hà Nội là thủ đô của nước ta. Hà Nội đẹp nhất vào mùa thu, khi những cơn gió heo may nhè nhẹ thổi, lá vàng bay bay, và hương cốm thơm ngát đã cho ta cảm giác thật bình yên.
Lời giải chi tiết
Câu 1:
a. Với bàn tay khéo léo, Đông Chiêu đã biến cục đất sét thành cái nồi xinh xắn.
b. Tác giả nói những chiếc nồi do bạn Đông Chiêu làm ra như đúc từ một cái khuôn là bởi bạn Đông Chiêu là một người thợ rất khéo tay.
c. Đông Chiêu vừa phải học vừa phải giúp đỡ cha mẹ làm việc là bởi bạn ấy muốn góp phần nhỏ bé cho việc cải thiện cuộc sống vốn không mấy dư dả của gia đình.
d. Điều em học tập được từ bạn Đông Chiêu đó là song song với việc học thì nên dành thời gian giúp đỡ bố mẹ những việc phù hợp với sức mình.
Câu 2:
a. Cậu bé đi ra vườn, hái quả ăn.
Dấu phẩy được đặt ở vị trí này có tác dụng ngăn cách các bộ phận cùng là vị ngữ trong câu.
b. Vì trời mưa, tớ không đến thăm cậu được.
Dấu phẩy được đặt ở vị trí này có tác dụng ngăn cách trạng ngữ chỉ nguyên nhân với chủ ngữ và vị ngữ.
c. Ngày mai, tất cả lớp mình đi tham quan.
Dấu phẩy được đặt ở vị trí này có tác dụng ngăn cách trạng ngữ chỉ thời gian với chủ ngữ và vị ngữ trong câu.
d. Người lái buôn mang về chú vẹt mào đỏ chót, lông xanh biếc.
Dấu phẩy được đặt ở vị trí này có tác dụng ngăn cách các thành phần cùng chức vụ trong câu.
Câu 3:
Các quan hệ từ có trong đoạn văn là:
Hà Nội là thủ đô của nước ta. Hà Nội đẹp nhất là vào mùa thu, khi những cơn gió heo may nhè nhẹ thổi, lá vàng bay bay, và hương cốm thơm ngát đã cho ta cảm giác thật bình yên.
Quan hệ từ là có tác dụng nối Hà Nội với thủ đô của nước ta
Quan hệ từ của có tác dụng nối thủ đô với nước ta
Quan hệ từ là có tác dụng nối Hà Nội đẹp nhất với vào mùa thu
Quan hệ từ và có tác dụng nối những cơn gió heo may nhè nhẹ thổi với lá vàng bay bay và hương cốm thơm ngát.