Phần I
Câu 1 :Vận dụng các kiến thức đã học từ lớp 8, hãy trả lời các câu hỏi:
a. Vì sao trong một bài văn nghị luận, chúng ta có những lúc cần vận dụng kết hợp các phương thức diễn đạt: tự sự, miêu tả, biểu cảm?
b. Muốn cho việc vận dụng các phương thức biểu đạt có kết quả cao chúng ta cần chú ý điều gì? Cho ví dụ?
Trả lời:
-Trong một đoạn/bài văn nghị luận, cần vận dụng kết hợp các phương thức biểu đạt tự sự, miêu tả và biểu cảm vì các phương thức này hỗ trợ đắc lực cho phương thức nghị luận, giúp trình bày các luận cứ sống động, rõ ràng và thuyết phục hơn.
- Để việc vận dụng các phương thức biểu đạt đó đạt hiệu quả nghị luận cần chú ý: các phương thức này giữ đúng vai trò hỗ trợ (nghị luận là phương thức chính), phải phục vụ cho việc làm rõ luận điểm, không được làm vỡ mạch nghị luận của bài/đoạn văn.
Câu 2 :Vận dụng kết hợp phương thức tự sự, miêu tả và biểu cảm là cần nhưng chưa đủ, cần biết vận dụng phương thức biểu đạt thuyết minh. Như vậy có đúng không? Vì sao? (SGK)
Trả lời:
- Trong nhiều trường hợp, để bài văn nghị luận thuyết phục hơn thì người viết/nói phải có khả năng vận dụng kết hợp phương thức biểu đạt thuyết minh vì phương thức này giúp cung cấp những tri thức khoa học giúp người nghe/đọc hiểu biết rõ ràng, đúng đắn về vấn đề được bàn bạc, từ đó tăng tính hiệu quả và thuyết phục cho mục đích nghị luận.
VD: Đoạn trích Không để chỉ số tăng trưởng GDP làm lạc hướng chúng ta có mục đích nghị luận là bàn bạc về việc cần đánh giá thêm chỉ số GNP bên cạnh chỉ số GDP để đánh giá thu nhập bình quân của người Việt Nam. Để đạt mục đích trên, Hải Văn còn sử dụng phương thức thuyết minh để người đọc hiểu rõ các thuật ngữ GDP và GNP, từ đó mà hiểu quan điểm của tác giả.
Câu 3 : Viết bài văn nghị luận với chủ đề: “Nhà văn mà tôi hâm mộ".
a. Xác định chủ đề: Thơ Tố Hữu là thơ trữ tình chính trị.
b. Tìm và sắp xếp các luận điểm theo dàn ý rành mạch, hợp lí:
+ Giới thiệu về nhà thơ Tố Hữu.
+ Giải thích thế nào là thơ trữ tình chính trị.
+ Phân tích các biểu hiện của thơ trữ tình chính trị Tố Hữu (lí tưởng lớn, niềm vui lớn, lẽ sống lớn).
+ Đánh giá khái quát về giá trị của đặc điểm và giá trị của thơ Tố Hữu.
c. Cần vận dụng thêm các phương thức biểu đạt khác để đạt hiệu quả:
+ Phương thức thuyết minh: khi giới thiệu ngắn gọn về Tố Hữu.
+ Phương thức biểu cảm, miêu tả, tự sự khi phân tích các khía cạnh của thơ trữ tình chính trị của Tố Hữu.
Phần II
Câu 1 : Những nhận xét sau đây đúng hay sai? Vì sao? (SGK)
Trả lời:
- Hai nhận định a và b đều sai vì cái hay của đoạn/bài văn nghị luận không phụ thuộc vào việc có hay không, nhiều hay ít các phương thức biểu đạt được vận dụng kết hợp. Không nên xem nhẹ và cũng không nên lạm dụng các phương thức biểu đạt hỗ trợ. Việc kết hợp cần đúng chỗ, đúng lúc, phục vụ hợp lí và hiệu quả cho mục đích nghị luận.
Câu 2 :Viết bài văn nghị luận có đề tài liên quan đến một vấn đề thời sự đang đặt ra một cách bức thiết trong cuộc sống..( ô nhiễm môi trường, tai nạn giao thông...v...v)
Trả lời:
Thực phẩm bẩn là vấn nạn của toàn xã hội. Danh từ thực phẩm bẩn được sử dụng để chỉ những loại thực phẩm chứa các chất không an toàn cho sức khỏe của người sử dụng vượt quá hàm lượng cho phép. Từ lâu, thực phẩm bẩn đã tràn đến bàn ăn của nhiều hộ gia đình và âm thầm tàn phá sức khỏe của họ. Nhiều người vẫn coi thường vấn đề này cho đến khi họ tận mắt chứng kiến người thân trong gia đình hoặc chính mình rơi vào hoàn cảnh nhẹ thì miệng nôn chôn tháo, nặng thì đau đớn trên giường bệnh với những đợt hóa trị hao tốn tiền của. Giờ đây, người dân luôn cảm thấy hoang mang mỗi khi bước chân vào chợ hay ra quầy hàng của các siêu thị. Những miếng thịt hồng hào, mỡ màng, tươi ngon hay những bó rau xanh non mơn mởn không còn khiến người ta thích thú mà chỉ khiến nét mặt của người mua dấy lên nỗi lo âu và sự hoài nghi về sự an toàn của chúng. Với sự lộng hành của thực phẩm bẩn, ăn uống giờ đây thực sự là một cuộc chiến khốc liệt của xã hội.
=> Đoạn văn kết hợp phương thức nghị luận với phương thức thuyết minh và miêu tả.