Câu 1:Hình ảnh những vòng lượn của con cá kiếm được nhắc đi nhắc lại trong đoạn văn gợi lên những đặc điểm gì về cuộc đấu giữa lão và con cá (thời điểm, phong độ, tư thế...)?
Trả lời:
Hình ảnh những vòng lượn của con cá kiếm được nhắc đi nhắc lại phản ánh cuộc đấu giữa ông lão và con cá kiếm:
+ Cuộc chiến không cân sức: con cá kiếm khổng lồ, kiêu sa, dũng mãnh >< Xan-ti-a-gô bé nhỏ, đơn độc, già yếu.
+ Cuộc chiến giữa khát khao chinh phục của Xan-ti-a-gô và cố gắng sinh tồn của con cá kiếm. Cả hai đều kiên cường, bền bỉ, dồn hết sức lực cho cuộc chiến.
Câu 2:Cảm nhận về con cá kiếm tập trung vào những giác quan nào của ông lão? Chứng minh rằng những chi tiết này gợi lên sự tiếp nhận từ xa đến gần, từ bộ phận đến toàn thể?
Trả lời:
Cảm nhận về con cá kiếm tập trung vào thị giác và xúc giác của ông lão. Những cảm nhận này từ xa đến gần, từ bộ phận đến tổng thể.
+ Quan sát bằng xúc giác, từ việc thấy từng bộ phận dần dần ông lão cũng thấy được toàn bộ con cá kiếm: một cái bóng đen vượt dài qua dưới con thuyền, cái đuôi lớn hơn cả chiếc lưỡi hái lớn, thân hình đồ sộ và những sọc màu tía, cánh vi, bộ vây to sụ, thấy mắt con cá và rồi được chiêm ngưỡng con cá phóng vút lên khỏi mặt nước phô hết tầm vóc khổng lồ, vẻ đẹp và sức lực của nó.
+ Cảm nhận bằng xúc giác (gián tiếp qua độ căng của dây kéo).
Câu 3:Hãy phát hiện thêm một lớp nghĩa mới: Phải chăng ông lão chỉ cảm nhận đối tượng bằng giác quan của một người đi săn, một kẻ chỉ nhằm tiêu diệt đối thủ của mình? Hãy tìm những chi tiết chứng tỏ một cảm nhận khác lạ ở đây, từ đó nhận xét mối liên hệ giữa ông lão và con cá kiếm.
Trả lời:
Ngoài mối quan hệ giữa con mồi và người đi săn (con cá và ngư phủ), ngoài cảm nhận bằng giác quan thông thường, ông lão Xan-ti-a-gô còn có một mối quan hệ bình đẳng, thân mật, cao thượng và có những cảm nhận sâu sắc hơn với con cá kiếm.
+ Cảm nhận khác của Xan-ti-a-gô về con cá: ngưỡng mộ, say mê, thán phục vẻ đẹp kì vĩ và sức mạnh của con cá kiếm.
+ Mối quan hệ thân mật, bình đẳng giữa những con người và tự nhiên và mối quan hệ giữa cái đẹp và người thưởng thức, trân trọng cái đẹp.
• Ông lão trò chuyện với con cá như với một người bạn, người anh em: “cá ơi”, “cá này, dẫu sao thì mày…cũng chết nữa à?”.
• Tôn trọng con cá: “mày có quyền làm thế”, “ta không quan tâm chuyện ai giết ai”.
Câu 4:So sánh hình ảnh con cá kiếm trước và sau ông lão chiếm được nó. Điều này gợi cho anh (chị) suy nghĩ gì? Vì sao có thể coi con cá kiếm như một biểu tượng?
Trả lời:
- Hình ảnh con cá kiếm trước khi bị Xan-ti-a-gô chiếm lĩnh: kì vĩ, kiêu sa, hùng dũng, đẹp đẽ, huy hoàng (tầm vóc khổng lồ, thân hình đồ sộ, những sọc tía trên mình, cánh vi trên lưng xếp lại, bộ vây to sụ bên sườn xòe rộng…) → ước mơ khi chưa với tới.
- Hình ảnh con cá kiếm sau khi bị Xan-ti-a-gô chiếm lĩnh: thảm hại, trần trụi, ngay trước mắt (nằm ngửa phơi cái bụng ánh bạc, thẳng đơ và bồng bềnh, con mắt trông dửng dưng…) → ước mơ khi đã đạt được không còn lung linh, xa vời.
→ Con cá kiếm là biểu tượng cho ước mơ mà con người phải vượt qua cả hành trình gian khổ để đạt được.
LUYỆN TẬP:
Câu 1 : Ngoài việc mô tả bằng lời của người kể chuyện, còn có ngôn từ nào trực tiếp nói lên hành động và thái độ của ông lão trước con cá kiếm không? Tác dụng của loại ngôn ngữ đó?
Trả lời:
Ngoài việc miêu tả bằng lời của người kể chuyện, còn có lời độc thoại nội tâm của Xan-ti-a-gô tự nói lên hành động và thái độ của ông trước con cá kiếm. Lời độc thoại nội tâm tự nhiên, chân thật khiến mối quan hệ của ông lão và con cá trở nên gần gũi, thân mật, bình đẳng.
2. Cách dịch “Ông già và biển cả” hay hơn lối dịch nguyên văn “Ông già và biển” bởi nó tạo nên sự cân đối về số tiếng giữa hai đối tượng ngăn cách bởi từ “và”. Mặt khác, từ “biển cả” có tác dụng gợi hình, gợi cảm (trù phú, mênh mông, bí ẩn) hơn hẳn cách gọi ngắn gọn “biển”.