Đề bài
Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:
(1) Một lần tình cờ tôi đọc được bài viết “Hạnh phúc là gì?” trên blốc của một người bạn. (2) Bạn ấy viết rằng: "Hạnh phúc là được nằm trong chăn ấm xem ti vi cùng với gia đình. (3) Hạnh phúc là được trùm chăn kín và được mẹ pha cho cốc sữa nóng. (4) Hạnh phúc là được cùng đứa bạn thân nhong nhong trên khắp phố. (5) Hạnh phúc là ngồi co ro hàng giờ trong quán cà phê, nhấm nháp li ca-cao nóng và bàn chuyện chiến sự... thế giới cùng anh em chiến hữu...".
(6) Bất chợt giật mình, hạnh phúc đơn giản vậy sao? (7) Ừ nhỉ! (8) Dường như lâu nay chúng ta chỉ quen với việc than phiền mình bất hạnh chứ ít khi biết được rằng mình đang hạnh phúc. (9) Hãy một lần thử nghĩ xem: Khi chúng ta than phiền vì bố mẹ quá quan tâm đến chuyện của mình thì ngoài kia biết bao nhiêu người thèm hơi ấm của mẹ, thèm tiếng cười của bố, thèm được về nhà để được mắng; khi chúng ta cảm thấy thiệt thòi khi không được ngồi xe hơi chỉ vì phải chạy xe máy giữa trời nắng thì ngoài kia biết bao nhiêu bạn của chúng ta mồ hôi nhễ nhại, gò mình đạp xe lên những con dốc vắng; khi chúng ta bất mãn với chuyện học hành quá căng thẳng thì ngoài kia biết bao người đang khao khát một lần được đến trường, một lần được cầm cây bút để viết lên những ước mơ; khi chúng ta...
(Dẫn theo Bài tập Ngữ văn 11, tập 2, NXB Giáo dục 2007)
Câu 1: Xác định phong cách ngôn ngữ của đoạn trích.
Câu 2: Tại sao tác giả lại “Bất chợt giật mình, hạnh phúc đơn giản vậy sao?”?
Câu 3: Chỉ ra và nêu tác dụng của biện pháp tu từ được sử dụng trong câu (9).
Câu 4: Anh/Chị hãy rút ra thông điệp có ý nghĩa nhất trong đoạn trích trên.
Lời giải chi tiết
Câu 1:
Phong cách ngôn ngữ chính luận.
Câu 2:
Tác giả “Bất chợt giật mình, hạnh phúc đơn giản vậy sao?” bởi vì:
- Khi nghĩ đến hạnh phúc thì con người thường nghĩ đến những gì cao xa, to lớn nhưng thực ra hạnh phúc là những gì rất giản dị, gần gũi quanh ta.
- Con người thường không nhận ra giá trị của những gì mình đang có, vì vậy thường “than phiền mình bất hạnh chứ ít khi biết được rằng mình đang hạnh phúc”.
Câu 3:
- Biện pháp tu từ được sử dụng trong câu (9): liệt kê, điệp ngữ, tương phản-đối lập.
- Tác dụng:
+ Tạo giọng điệu thiết tha, hùng hồn, mạnh mẽ để tăng tính thuyết phục.
+ Nhấn mạnh sự tương phản về hoàn cảnh của chúng ta và biết bao nhiêu người để từ đó gợi ra quan niệm về một hạnh phúc giản đơn.
Câu 4:
Thông điệp có ý nghĩa nhất trong đoạn trích:
Chúng ta cần biết trân trọng những hạnh phúc bình dị, giản đơn nhưng thiết thực trong cuộc sống.