Đề bài
Đọc đoạn trích sau và trả lời câu hỏi từ câu 1 đến câu 4:
Có những quá trình không phải hoài thai, không đẻ gì (theo nghĩa hẹp và theo nghĩa đen sinh học )nhưng rất khổ đau và nặng nhọc đèo bòng. Ngọc trai nguyên chỉ là một hạt cát, một hạt bụi biển xâm lăng vào vỏ trai, lòng trai. Cái bụi bặm khách quan nơi rốn bể lẻn vào cửa trai. Trai xót lòng. Máu trai liền tiết ra một thứ nước dãi bọc lấy cái hạt buốt sắc. Có những cơ thể trai đã chết ngay vì hạt cát từ đâu bên ngoài gieo vào giữa lòng mình (và vì trai chết nên cát bụi kia vẫn chỉ là hạt cát). Nhưng có những cơ thể trai vẫn sống, sống lấy máu, lấy rãi mình ra mà bao phủ lấy hạt đau, hạt xót. Tới một thời gian nào đó, hạt cát khối tình con, cộng với nước mắt hạch trai, đã trở thành lõi sáng của một hạt ngọc tròn trặn ánh ngời.
Câu 1. Hãy ghi lại câu văn nêu khái quát chủ đề của đoạn trích trên?(0,5 điểm)
Câu 2 . Hãy giải thích ý nghĩa của hình ảnh “hạt cát khối tình con” (0,25 điểm)
Câu 3. Xác định biện pháp tu từ nghệ thuật của đoạn văn trên? (0,25 điểm)
Câu 4 .Từ đoạn văn trên anh (chị) có thể rút ra bài học gì trong cuộc sống? Trả lời 5- 7 dòng (0,5 điểm)
Đọc đoạn thơ sau đây và trả lời câu hỏi từ câu 5 đến câu 8:
Ơi cơn mưa quê hương
Đã ru hát tâm hồn ta từ thưở bé
Đã thấm nặng lòng ta những tình yêu chớm hé
Nghe tiếng mưa rơi trên tàu chuối bẹ dừa
Thấy mặt trời lên khi tạnh những cơn mưa
Ta yêu quá như lần đầu mới biết
Ta yêu mưa như yêu gì thân thiết
Như tre, dừa như làng xóm quê hương
Như những con người biết mấy yêu thương.
(Lê Anh Xuân)
Câu 5. Chỉ ra phương thức biểu đạt chính trong đoạn thơ trên? (0,25 điểm)
Câu 6. Những hình ảnh nào thể hiện tình cảm gắn bó sâu nặng với quê hương của tác giả? Nêu nội dung chính của văn bản. (0,5 điểm)
Câu 7. Xác định 02 biện pháp tu từ được tác giả sử dụng trong 4 dòng thơ cuối của văn bản trên. (0,25 điểm)
Câu 8. Anh (chị) hiểu như thế nào về 2 câu thơ sau : “Ơi cơn mưa quê hương - Đã ru hát tâm hồn ta từ thưở bé”. Trả lời trong khoảng 5- 7 dòng. (0,5 điểm)
Lời giải chi tiết
Câu 1.
Câu văn nêu khái quát chủ đề của văn bản: có những quá trình không phải hoài thai, không đẻ gì (theo nghĩa hẹp và nghĩa đen sinh học) nhưng rất khổ đau và nặng nhọc, đèo bòng.
Câu 2.
Ý nghĩa hình ảnh “hạt cát khối tình con” là kết quả của quá trình hình thành ngọc trai. Ý nghĩa sâu xa đó là để có được sự thành công trong cuộc sống thì con người phải trải qua rất nhiều gian nan, thử thách. Hoặc : để sinh thành ra đứa con thì bà mẹ phải trải qua sự vất vả, khó nhọc thậm chí sự hi sinh.
Câu 3.
- Biện pháp tu từ nổi bật của đoạn văn trên là nhân hóa: (Cái bụi bặm khách quan nơi rốn bể lẻn vào cửa trai. Trai xót lòng. Máu trai liền tiết ra một thứ nước dãi bọc lấy cái hạt buốt sắc............Nhưng có những cơ thể trai vẫn sống,sống lấy máu, lấy rãi mình ra mà bao phủ lấy hạt đau, hạt xót).
- Biện pháp ẩn dụ: hạt cát khối tình con
Câu 4.
Bài học cuộc sống từ văn bản trên:
+ Chúng ta luôn phải nhớ tới công lao sinh thành, sự hi sinh của cha mẹ và biết thương cha mẹ.
+ Để có được thành quả lao động thì con người phải trải qua nhiều khó khăn, thử thách.
Câu 5.
Phương thức biểu đạt chính của đoạn thơ: phương thức tự sự/ biểu cảm.
Câu 6.
- Những hình ảnh thể hiện tình cảm gắn bó sâu nặng với quê hương của nhà thơ: tiếng mưa rơi trên tàu chuối bẹ dừa,, tre, làng xóm, những con người nơi quê hương tác giả.
- Nội dung của đoạn thơ: nhà thơ thể hiện tình yêu quê hương tha thiết, sự gắn bó sâu nặng với quê hương qua những hình ảnh gần gũi, thân thuộc.
Câu 7.
2 biện pháp tu từ ở 4 dòng thơ cuối là điệp ngữ , so sánh.
Câu 8.
Cách hiểu 2 câu thơ: cơn mưa quê hương đã gắn bó với nhà thơ, đó là lời ru ngọt ngào nuôi dưỡng tâm hồn cho nhà thơ từ thưở ấu thơ.
Có thể diễn đạt theo cách khác nhưng phải hợp lí, có sức thuyết phục.