Đề bài
Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 4
"...Ông Lê Đại, Gia Lộc, Hải Dương đưa nhận xét thú vị, khi đến thăm VN, từ các chính khách đến người bình dân đều học một vài từ tiếng Việt, ví dụ: xin chào, cảm ơn... Ông viết: "Đặc biệt, một số chính khách nước ngoài khi đến VN đã dùng thơ (mà đặc biệt là Truyện Kiều của Nguyễn Du) để thể hiện tình cảm của họ với VN. Ông Bill Clinton khi đến thăm đã dùng câu "Sen tàn cúc lại nở hoa/Sầu dài ngày ngắn đông đà sang xuân". Hay mới đây Tổng thống Mỹ Barack Obama sang thăm cũng đã dùng câu: "Rằng trăm năm cũng từ đây/Của tin gọi một chút này làm ghi". Thật tự hào biết bao khi tiếng Việt được các chính khách dùng tinh tế, ý nghĩa đến vậy. Vì thế, giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt là một việc cần phải làm từ hôm qua, hôm nay và mãi mai sau nhằm góp phần làm cho đất nước giàu đẹp, văn minh và ngang tầm với các cường quốc trên thế giới."(...)
(Trích Tiếng Việt cần có luật – Báo Thanh Niên, ngày 06/11/2016)
Câu 1. Chỉ ra phương thức biểu đạt và phong cách ngôn ngữ được sử dụng trong đoạn trích?
Câu 2. Hãy đặt cho văn bản trên một nhan đề khác?
Câu 3. Trong đoạn văn trên, theo anh/chị, có vài chỗ còn chưa đúng chuẩn tiếng Việt, hãy chỉ ra?
Câu 4. Viết 5 – 7 dòng giải thích ý nghĩa câu văn cuối đoạn trích.
Lời giải chi tiết
Câu 1.
Phương thức biểu đạt: Tự sự, nghị luận.
Phong cách ngôn ngữ: Báo chí.
Câu 2.
Nhan đề ngắn gọn, nêu được nội dung văn bản: thể hiện niềm tự hào về tiếng Việt, sự tinh tế trong giá trị biểu hiện ý nghĩa và cảm xúc của nó; sự cần thiết giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.
Câu 3. Có 3 chỗ viết tắt từ VN (Việt Nam)
Câu 4.
Yêu cầu về viết đoạn văn 5-7 dòng giải thích vấn đề: Giữ gìn sự trong sáng của tiếng việt cũng là góp phần làm cho đất nước giàu đẹp, văn minh.
- Cần nắm vững và thực hiện đúng các chuẩn mực của tiếng Việt, yêu tiếng mẹ đẻ, hiểu được trách nhiệm của bản thân.
- Giữ gìn tiếng Việt là góp phần gìn giữ bản sắc dân tộc, trau dồi lòng yêu nước, xây dựng nếp sống văn minh, phát triển mọi mặt của đất nước ta.